Chậm chuyển biến trong kiểm tra chuyên ngành

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, việc thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) là động lực để DN phục hồi sau dịch…
Một số hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành có xu hướng mở rộng gây tốn kém chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Một số hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành có xu hướng mở rộng gây tốn kém chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Do đó, việc tìm kiếm giải pháp cải cách nhanh chóng, mạnh mẽ lĩnh vực này là nội dung quan trọng của Hội nghị về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững dự kiến tổ chức trong tháng 8 này.

Cải cách chậm và không đồng đều

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong tổng thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới thì riêng thời gian DN thực hiện các thủ tục về quản lý, KTCN chiếm 72%. Do đó, yêu cầu về cải cách quản lý, KTCN là mục tiêu trọng tâm hàng năm của Chính phủ, được nêu tại nhiều nghị quyết và thể hiện rõ qua các hiệp định thương mại tự do.

Với những chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của Chính phủ, công tác quản lý, KTCN đã đạt được một số kết quả. Tỷ lệ hàng hóa KTCN trong giai đoạn thông quan đã giảm từ 30 - 35% (năm 2015) xuống còn khoảng 19,1% (10 tháng đầu năm 2019). Một số ít bộ, ngành đã triển khai các giải pháp như thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro.

Tuy nhiên, bà Thảo nhấn mạnh, trong 5 năm qua, công tác quản lý, KTCN đối với hàng hoá xuất khẩu (XK), nhập khẩu có chuyển biến, nhưng còn chậm và không đồng đều. Nhiệm vụ hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, KTCN đặt ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP cũng như các nghị quyết phiên họp Chính phủ còn chậm chuyển biến, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng KTCN như yêu cầu của Chính phủ.

Việc cải cách hoạt động quản lý, KTCN theo thông lệ quốc tế như: thay đổi cách thức quản lý nhà nước theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, áp dụng hình thức kiểm tra tại nguồn; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục trực tuyến qua cơ chế một cửa quốc gia, thực hiện một mặt hàng chỉ qua một đầu mối kiểm tra... còn rất chậm, mới bước đầu thực hiện trên một số ít lĩnh vực.

Quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn là rào cản lớn

Không những cải cách chậm và không đồng đều, phản ánh của DN còn cho thấy, một số hoạt động quản lý, KTCN có xu hướng mở rộng hoặc chồng chéo gây tốn thời gian, chi phí và làm giảm lòng tin của DN.

Theo phản ánh của DN, trước đây, theo Thông tư số 03/2010/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục sản phẩm hàng hoá nhóm 2 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc kiểm tra an toàn lao động thực hiện trong quá trình sản xuất và trước khi đi vào vận hành. Tuy nhiên, theo Thông tư số 22/2018/TT-BLĐTBXH thay thế Thông tư số 03/2010/TT-BLĐTBXH, việc kiểm tra được thực hiện trước thông quan. Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm (thang máy, thang cuốn…) chỉ có thể kiểm tra khi đã lắp đặt, vận hành. Do đó, DN cho rằng, quy định này vừa bất hợp lý, không khả thi, vừa tạo rào cản về thủ tục và chi phí lớn cho DN.

Cách đây ít ngày, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá. Trong đó, VASEP kiến nghị bỏ hàng hóa XK ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định do bất hợp lý, tốn kém, bất khả thi, trái với thông lệ quốc tế và không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước. “Ngành thuỷ sản mỗi năm XK hàng triệu tấn thành phẩm thuỷ sản, hay ngành da giày mỗi năm XK hơn 1 tỷ đôi giày dép các loại. Nếu phải thay đổi nhãn, mỗi đôi giày chỉ cần tốn thêm 100 đồng để làm nhãn mới thì ngành da giầy phải bỏ ra hơn 100 tỷ đồng. Nếu tất cả các ngành sản xuất khác đều phải thay nhãn, tổng thiệt hại sẽ lên đến hàng ngàn tỷ”, VASEP lập luận.

Trước đó, báo cáo của Bộ Tài chính tại Công văn số 6208/BTC-TCHQ ngày 30/5/2019 cho biết, có 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số, và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong KTCN, tức là còn chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều bộ, ngành.

Như vậy, những vướng mắc, bất cập về quản lý, KTCN vẫn là rào cản lớn đối với DN, ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của DN xuất nhập khẩu, cần có giải pháp cải cách mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục