Tiến độ cổ phần hóa chậm có nguyên nhân do đối tượng cổ phần hóa hầu hết là các DN có quy mô lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Lo lắng về vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa
Theo số liệu báo cáo tình hình CPH và sắp xếp DNNN năm 2015 của Bộ Tài chính, năm 2015 (tính đến hết tháng 11/2015), cả nước CPH được 173 DN. Tính lũy kế giai đoạn 2011 đến ngày 30/11/2015 đã CPH được 422/538 DN (đạt 78% kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015); trong đó, riêng giai đoạn 2014 đến ngày 30/11/2015 đã CPH được 316/422 DN (đạt 73% kế hoạch giai đoạn 2014 - 2015).
Về nguyên nhân làm chậm tiến độ CPH nói riêng cũng như quá trình tái cơ cấu và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN nói chung so với kế hoạch đề ra, theo Bộ Tài chính có nguyên nhân từ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, làm cho nhu cầu sụt giảm, do đó kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các DN CPH không đạt được kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH và thoái vốn; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau CPH.
Tiến độ CPH chậm còn có nguyên nhân do đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Việc thực hiện CPH, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các DN có quy mô lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị nên cũng cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Níu kéo lợi ích
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự thiếu minh bạch thông tin trong CPH và thậm chí là sự cố gắng níu kéo, vớt vát giữ lại lợi ích nhóm cao nhất có thể trong việc triển khai CPH DNNN trên thực tiễn so với tinh thần và chủ trương quyết liệt của Chính phủ mới chính là nguyên nhân cơ bản nhất khiến tiến trình CPH trì trệ và không đạt chất lượng như mong muốn.
Sự thiếu minh bạch trong thông tin CPH, đặc biệt là việc khó tiếp cận được với những nguồn thông tin chính thống, chuẩn xác là lý do khiến các nhà đầu tư tiềm năng không còn mặn mà với DN. Hệ lụy nhãn tiền là các nhà đầu tư gần đây hầu như rất thờ ơ với cổ phiếu của các DNNN khi IPO, kể cả các DNNN lớn.
Bên cạnh đó, theo TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, những tồn tại về vấn đề tỷ lệ nắm giữ của tư nhân đối với DNNN trong CPH, quan điểm liều lượng CPH bao nhiêu để không bị tác động xấu từ bên ngoài vẫn còn là câu chuyện lớn khiến tiến độ CPH dường như ngày càng trở nên trì trệ và CPH thiếu chất lượng.
Đặc biệt, tư tưởng níu kéo và giữ vững lợi ích nhóm cục bộ của các tập đoàn, tổng công ty và từ chính bản thân các bộ chủ quản cũng là nhân tố kìm hãm tiến độ CPH của các DNNN. Điều này thể hiện rõ ở tư tưởng không chịu buông các “con gà đẻ trứng vàng” là DN làm ăn hiệu quả, lợi nhuận tốt, mà chỉ thực hiện CPH những DN ốm yếu, èo uột khiến nhà đầu tư thờ ơ, không mấy quan tâm.
Điển hình cho trường hợp này có thể điểm danh một số bộ chủ quản như Bộ Xây dựng với câu chuyện khá buồn cười gần đây khi có văn bản đề xuất Chính phủ tạm thời chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại một số tổng công ty và DN thuộc quản lý của Bộ vì lý do các DN này đang là “con gà đẻ trứng vàng” cho Bộ.
Hay một bộ khá trì trệ và chậm chễ trong CPH, tái cơ cấu, sắp xếp lại DN khác là Bộ Công Thương - một trong số các bộ quản lý nhiều tập đoàn, tổng công ty, DNNN lớn, hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh độc quyền có lợi nhuận khủng. Với kết quả CPH được 2/12 DN và đều là các công ty nhỏ trong năm 2015, Bộ này tiếp tục nằm trong danh sách các đơn vị “được” Chính phủ phê bình đích danh vì “thành tích” CPH quá chậm.