Chậm trễ nắm bắt cơ hội từ CPTPP

(BĐT) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực với Việt Nam được hơn 6 tháng. Song, tính tới thời điểm này, không ít bộ, ngành, địa phương bị Thủ tướng Chính phủ lưu ý, nhắc nhở phải khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự chậm trễ này có thể làm mất cơ hội mà CPTPP mở ra cho nước ta, trong khi sự cạnh tranh từ các thành viên khác ngày càng gay gắt, khốc liệt. 

Nhiều bộ, ngành, địa phương “án binh bất động”

Một loạt bộ, ngành và địa phương chậm trễ, chây ì trong xây dựng Kế hoạch thực hiện CPTPP đã được Thủ tướng Chính phủ “điểm mặt” nhắc nhở khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ. Về phía các bộ, ngành, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và Đài Truyền hình Việt Nam chưa hoàn thành xây dựng Kế hoạch. 8  địa phương gồm: Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và An Giang chưa hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao về xây dựng Kế hoạch thực hiện CPTPP.

Thông tin cụ thể về tình hình xây dựng Kế hoạch thực hiện CPTPP, Bộ Công Thương cho biết, một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự chủ động và tích cực trong việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định. Bộ Công Thương chỉ rõ, tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 20/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn tất và gửi Kế hoạch thực hiện CPTPP cho Bộ Công Thương vào ngày 1/3/2019. Tuy nhiên, đến ngày 21/3/2019, Bộ Công Thương chỉ nhận được Kế hoạch của 10 bộ, ngành và 32 địa phương. Sau khi thời hạn này được lùi tới ngày 12/4/2019 thì đến nay vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa xây dựng xong Kế hoạch thực hiện của mình. “Tính đến ngày 8/7/2019, Bộ Công Thương nhận được Kế hoạch của 23 bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương và 55 địa phương. “Điều này sẽ khiến cho việc triển khai Hiệp định không được đồng bộ, nhất quán, ảnh hưởng chung đến hiệu quả của việc thực thi cũng như tận dụng được cơ hội từ Hiệp định”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Bên cạnh khó khăn trên, Bộ Công Thương còn chỉ ra, hầu hết các địa phương dù đã gửi Kế hoạch thực hiện cho Bộ nhưng chưa đề ra nhiệm vụ chi tiết với mốc thời gian cụ thể cho việc thực hiện. Điều này có thể khiến các Kế hoạch dù được xây dựng nhưng sẽ khó đi vào triển khai trên thực tế cũng như khiến cho công tác theo dõi, đôn đốc gặp nhiều khó khăn…

Lo ngại bỏ lỡ cơ hội

Rõ ràng cơ hội từ việc tham gia CPTPP là rất lớn, thế nhưng, nhìn từ sự chậm trễ trong việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định của các bộ, ngành, địa phương trong hơn nửa năm thực thi Hiệp định, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan ngại. Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương, hiệp định thương mại tự do (FTA) giống như thang thuốc bổ, nếu cơ thể chúng ta đủ khỏe để hấp thụ thì rất tốt, nhưng nếu cơ thể chúng ta yếu thì lợi bất cập hại.

Chung quan điểm này, bà Bùi Kim Thùy, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhìn nhận, đôi khi, chúng ta thường quan tâm khi FTA nào có hiệu lực thì những dòng thuế nào sẽ về 0% ngay, nhưng "không có gì là cho không, biếu không cả". Hàng hóa của Việt Nam muốn được hưởng thuế quan ưu đãi đặc biệt đó thì bắt buộc hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ thị trường nhập khẩu mà quy tắc xuất xứ là thiết kế riêng cho từng mã hàng khác nhau và thiết kế quy tắc xuất xứ là một trong những mục khó nhất, phức tạp nhất của bất kể một FTA nào. Cho nên khi nói thuế quan bằng 0 thì không đơn giản là chỉ có màu hồng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng lo ngại, các FTA thế hệ mới không phải đại lộ này, đại lộ kia khi mà những cải cách tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp trong nước vẫn còn chậm trễ.

Chính phủ đánh giá, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi. Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Thêm vào đó, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, CPTPP dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài...

Tin cùng chuyên mục