Cháy bỏng khát vọng nâng tầm vị thế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, khát vọng phát triển đất nước luôn cháy bỏng, thường trực trong tâm thức của các thế hệ người Việt. Khát vọng đó được thôi thúc bởi lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, kết thành nguồn sức mạnh to lớn từng bước đưa đất nước đến hùng cường…
Cháy bỏng khát vọng nâng tầm vị thế Việt Nam

Khát vọng theo cách hiểu phổ quát là một trạng thái tinh thần, phản ánh sự ước ao, “mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ”1. Theo Keith D. Harrell, một thuyết trình gia nổi tiếng nước Mỹ, thì “khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên trong mỗi con người, được thể hiện qua những hoạt động không ngơi nghỉ để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ khuất phục trước hoàn cảnh”2. Như vậy, nói đến khát vọng của mỗi con người là nói đến yếu tố tinh thần, là sự mong muốn, khao khát, quyết tâm dồn sức lực, trí tuệ để đạt cho được mục tiêu đã đặt ra. Từ đó có thể khái quát, “khát vọng phát triển đất nước là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người trong cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai”3.

TS. Lâm Quốc Tuấn

TS. Lâm Quốc Tuấn

Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển hùng mạnh đều bắt nguồn chính từ những khát vọng vươn lên trở thành một dân tộc hùng cường, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, mặc dù khác nhau về diện tích, quy mô dân số, vị trí địa lý, văn hóa, tài nguyên…, nhưng đều có một điểm chung đó là sự trỗi dậy, sự vươn lên của dân tộc, của người dân với ý chí, khát vọng chiến thắng nghịch cảnh, không bằng lòng chấp nhận số phận; là sự đồng lòng, quyết tâm của chính phủ và người dân ở các quốc gia này… Đó chính là nguyên nhân tạo nên những kỳ tích mang tên: “Thần kỳ Nhật Bản”, “Kỳ tích sông Hàn”, hay “Câu chuyện thần kỳ” mang tên Singapore.

Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước là khát vọng cháy bỏng, thường trực trong tâm thức của các thế hệ người Việt; là nguồn lực nội sinh lớn mạnh làm nên nhiều chiến công hiển hách; giúp Việt Nam đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, giữ vững nền độc lập dân tộc, tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã đập tan gông xiềng áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến, xây dựng và bảo vệ Nhà nước cách mạng; đánh thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH. Những chiến công oanh liệt đó được tạo nên bằng sức mạnh vô địch của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khởi nguồn từ khát vọng mãnh liệt được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, với khát vọng chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Khát vọng ấm no, hạnh phúc đã chuyển hóa thành sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng trong những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX; vượt qua cuộc chấn động chính trị toàn cầu khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên bang Xô viết và Đông Âu sụp đổ, cùng những thử thách khắc nghiệt, đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vượt lên, kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, khôi phục, duy trì tăng trưởng. Từ một quốc gia không có tên trên bản đồ thế giới, đến giờ vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao: Việt Nam có quan hệ với hầu hết các nước và vùng lãnh thổ, quan hệ với tất cả các đối tác, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, khu vực; lần thứ hai được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu bầu gần như tuyệt đối 192/193, v,v…

Có thể khẳng định sau hơn 35 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Tại Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến những thay đổi to lớn về cấu trúc thị trường toàn cầu; hội nhập ngày càng sâu rộng, nhưng cũng cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt; khoa học và công nghệ có bước phát triển nhanh chóng, v.v.. Thực tiễn đó đặt ra những thách thức, áp lực to lớn đối với Việt Nam để tạo ra và duy trì động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Phát huy những thành quả đạt được, chúng ta khẳng định có đủ cơ sở tiền đề về vật chất và tinh thần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với các mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thực hiện khát vọng xây dựng nước Việt Nam hùng cường như Bác Hồ hằng mong muốn.

Hướng tới những mục tiêu đó đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, trước hết là phát huy nội lực với sự đoàn kết của cả dân tộc. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục tiêu đó cũng chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy sự hòa quyện giữa Ý Đảng - Lòng Dân; giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đây cũng chính là tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong bản Di chúc Người để lại cho quốc dân, đồng bào: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc được thôi thúc bởi khát vọng, bởi tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc, nhất định đất nước ta sẽ “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Tài liệu tham khảo

1 Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2006, tr. 493

2 Keith D. Harrell: Cám ơn cuộc sống, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2015; Thay đổi thái độ - Đổi cuộc đời, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2016, tr 2, 3

3 Vũ Minh Khương: “Việt Nam 2045: Tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử”, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam điện tử, ngày 17/1/2020

Tin cùng chuyên mục