Ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/11/2024 là 438.852 tỷ đồng, đạt 54,4% tổng kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên |
Thực trạng giải ngân 11 tháng đầu năm 2024
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/11/2024 là 438.852 tỷ đồng, đạt 54,4% tổng kế hoạch. Trong đó, ước giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024 đạt 27.899 tỷ đồng (49,1% kế hoạch); ước giải ngân vốn kế hoạch năm 2024 là 410.953 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch và 60,43% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng giao).
Trong 11 tháng năm 2024, có 18 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước, ví dụ Bộ Giao thông vận tải (72%), Long An (80,03%), Thái Bình (79,06%), Tiền Giang (77,6%)... Tuy nhiên, có 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung. Một số địa phương giải ngân dưới 40% như TP.HCM (22,52%), Phú Yên (30,78%), Bắc Ninh (34,13%), Kiên Giang (34,31%)… Việc một số địa phương được giao kế hoạch vốn lớn nhưng giải ngân không cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ chung của cả nước. Riêng vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có tỷ lệ giải ngân 11 tháng, đạt 87,03% kế hoạch, trong đó Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đạt 100%.
Theo báo cáo của một số Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, việc giải ngân chậm được các địa phương chỉ ra là do khó khăn, vướng mắc tập trung chủ yếu ở quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Quy trình này còn phức tạp, tốn nhiều thời gian, chưa tạo sự chủ động cho địa phương và làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp) theo quy định của Luật Khoáng sản kéo dài, mất rất nhiều thời gian nên không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án. Các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) phải thực hiện song hành các quy định pháp luật của Việt Nam và hiệp định ký kết với nhà tài trợ; quy trình, thủ tục mất nhiều thời gian và phụ thuộc nhiều vào nhà tài trợ là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình triển khai thực hiện, giải ngân dự án… Ngoài ra, còn phải kể đến các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án; công tác khảo sát, lập dự án chưa tốt, chưa phù hợp với thực tế dẫn tới phải nhiều lần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; khan hiếm đất đắp, cát khiến giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Một số địa phương như Quảng Nam, Bình Phước, Hưng Yên, Tây Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn gặp khó khăn khi nguồn thu từ tiền sử dụng đất chưa đạt so với kế hoạch Thủ tướng giao, một số địa phương còn đạt tỷ lệ thấp do đấu giá quyền sử dụng đất các dự án khối tỉnh chưa kịp thời huy động vào ngân sách nhà nước…, chưa có nguồn vốn bố trí và giải ngân cho các dự án.
Bộ Tài chính cho biết, một số khó khăn vướng mắc liên quan đến thể chế đã được các bộ, ngành tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa đổi các luật tại kỳ họp Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chưa được giải quyết dứt điểm. Trong đó có vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA… cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư chủ động giải quyết.
Trong 11 tháng năm 2024, có 18 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Ảnh: NC st |
Kỳ vọng đột phá từ thể chế
Để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2024, Bộ Tài chính kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra. Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai. Đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu…, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ bảo đảm khoa học, hiệu quả công việc… Riêng đối với những vướng mắc kéo dài liên quan đến nguồn nguyên vật liệu cho dự án giao thông quan trọng quốc gia, đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương chủ quản quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc tìm kiếm nguồn vật liệu cát để bù đắp phần thiếu hụt…
Trao đổi với báo chí về các giải pháp cần chú trọng để hoàn thành kế hoạch đề ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đầu tiên là nhóm giải pháp về đôn đốc chỉ đạo. Thứ hai là tổ chức triển khai thực hiện, trách nhiệm chính thuộc về các bộ, ngành, địa phương. Các thủ tục giải ngân như kiểm đếm hay nghiệm thu khối lượng, thủ tục về hồ sơ thanh quyết toán phải làm sớm, nhanh để giải ngân được lượng vốn đã thực hiện. Nhóm giải pháp thứ ba là tháo gỡ khó khăn, ngoài khó khăn về vật liệu thông thường, còn những khó khăn về mặt thủ tục, đặc biệt là các thủ tục về điều chỉnh dự án. Đồng thời, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương về đầu tư công.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng kỳ vọng giải pháp đột phá để thúc đẩy giải ngân đầu tư công là thể chế, tuy trong năm nay chưa có tác dụng vì cần phải chờ luật có hiệu lực, nhưng hy vọng sang năm sau sẽ giải quyết được một số vấn đề vướng mắc tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế.
Chiều 29/11, tại Kỳ họp thứ 8, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông Luật Đầu tư công (sửa đổi) với những điểm mới được kỳ vọng sẽ gỡ nhiều rào cản trong công tác giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, từ đó rút ngắn, giảm bớt thủ tục, thời gian thực hiện nhiều bước trong quy trình đầu tư công. Trong đó, thay đổi lớn là phân cấp thẩm quyền từ HĐND sang UBND quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, đồng thời, bổ sung thẩm quyền “quyết định chủ trương đầu tư dự án” đi đôi với trách nhiệm “báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất”.
Để linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, Luật Đầu tư công (sửa đổi) phân cấp thẩm quyền từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện, Luật mới nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, nâng quy mô dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C lên gấp đôi.
Các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cũng được quy định trong Luật như tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; giao 1 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên…
Ngoài ra, Luật có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục, quy trình thực hiện dự án ODA để gỡ vướng mắc tồn tại nhiều năm đối với nhóm dự án này.