Chênh vênh số phận Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc nhà đầu tư được chỉ định rơi vào tình cảnh đuối năng lực và sự trì trệ trong khâu tổ chức thực hiện Dự án Khu đô thị (KĐT) Bình Quới - Thanh Đa khiến bán đảo Bình Quới - Thanh Đa lạc lõng trong sự phát triển như vũ bão của TP.HCM. Trong khi đó, hơn 13 nghìn người dân sống thấp thỏm, tạm bợ trong cảnh quy hoạch treo đã hàng chục năm qua.
Bán đảo Thanh Đa được ví như “viên ngọc bích” nhưng 30 năm qua vẫn lạc lõng giữa sự phát triển như vũ bão của TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn
Bán đảo Thanh Đa được ví như “viên ngọc bích” nhưng 30 năm qua vẫn lạc lõng giữa sự phát triển như vũ bão của TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Việc chỉ định nhà đầu tư không còn ý nghĩa

Dự án KĐT Bình Quới - Thanh Đa tại Phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM được phê duyệt từ năm 1992 với quy mô hơn 426,9 ha. Trên cơ sở được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư (tháng 9/2011), tháng 11/2015, UBND TP.HCM quyết định chỉ định Liên danh Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) - Công ty Emaar Properties PJSC làm nhà đầu tư Dự án. Tuy nhiên, tháng 11/2016, Bitexco có văn bản báo cáo việc Emaar Properties PJSC đề nghị rút khỏi Liên danh, không tiếp tục tham gia đầu tư thực hiện Dự án. Nửa năm sau, UBND TP.HCM báo cáo kiến nghị xử lý tình huống và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thành phố “xem xét, quyết định xử lý tình huống theo thẩm quyền để tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả lựa chọn nhà đầu tư, kết quả thực hiện Dự án”.

Tới tháng 6/2019, UBND TP.HCM có báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy về đấu thầu rộng rãi quốc tế lựa chọn lại nhà đầu tư Dự án với tổng mức đầu tư bao gồm cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng và chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch. Nhà đầu tư trúng thầu phải đóng góp chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng cho Thành phố theo quy hoạch được duyệt (đóng góp để xây dựng 4 cầu kết nối với bán đảo Thanh Đa). Đề xuất này được Thành ủy thống nhất và giao cho UBND TP.HCM chỉ đạo tiến hành điều chỉnh quy hoạch KĐT Bình Quới - Thanh Đa nhằm tạo điều kiện kêu gọi đầu tư.

Cho tới cuối năm 2022, TP.HCM vẫn rà soát, nghiên cứu ý tưởng quy hoạch đối với KĐT Bình Quới - Thanh Đa trên cơ sở định hướng chung, nên tiến độ điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 cần thêm nhiều thời gian.

Tháng 9/2020, Thành ủy TP.HCM tiếp tục có thông báo nhấn mạnh, việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án đã triển khai hơn 10 năm, song chưa kết thúc, khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, không phát huy được nguồn lực to lớn về đất đai, vị trí địa lý đặc biệt để phát triển Thành phố và quận Bình Thạnh. Việc sớm lựa chọn nhà đầu tư xây dựng KĐT Bình Quới - Thanh Đa là yêu cầu cấp bách. Do đó, Thành ủy yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương rà soát thận trọng, đầy đủ các cơ sở pháp lý và thực tế để lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế.

Theo tìm hiểu, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án KĐT Bình Quới - Thanh Đa gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, việc Bitexco đề nghị tiếp tục được chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện Dự án không đảm bảo chặt chẽ về cơ sở pháp lý. Việc Emaar Properties PJSC rút khỏi Liên danh đã làm thay đổi căn bản kinh nghiệm và năng lực tài chính của nhà đầu tư được chỉ định, ảnh hưởng lớn đến tiến trình đầu tư Dự án. Do đó, các lý do đề xuất áp dụng chỉ định thầu ban đầu không còn ý nghĩa.

Không dễ mời gọi nhà đầu tư quốc tế

TP.HCM thiếu nguồn lực đầu tư nên cần nhà đầu tư quốc tế với nguồn lực tài chính mạnh để đầu tư Dự án đạt tầm vóc quốc tế. Theo phân tích của TP.HCM, Dự án KĐT Bình Quới - Thanh Đa thuộc trường hợp phải thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư để làm cơ sở tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư và thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ. Bởi Dự án có quy mô đầu tư hơn 426,9 ha, trong đó phần đất công khoảng 109 ha. Hiện nay, TP.HCM phải rà soát chính xác nguồn gốc pháp lý các thửa đất trong ranh Dự án.

Cho tới cuối năm 2022, TP.HCM vẫn rà soát, nghiên cứu ý tưởng quy hoạch đối với KĐT Bình Quới - Thanh Đa trên cơ sở định hướng chung, nên tiến độ điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 cần thêm nhiều thời gian. Sau khi đồ án này được cấp thẩm quyền phê duyệt, TP.HCM mới có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo phương thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, năm 2011, sau khi TP.HCM đăng tải thông tin mời các nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án, đã có 6 nhà đầu tư nộp hồ sơ quan tâm. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã khác. Thị trường bất động sản đang ở thời điểm khó khăn, tình hình quốc tế nhiều biến động, kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn suy thoái nên “con đường” lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án được dự báo không ít chông gai.

Tin cùng chuyên mục