Xung quanh câu chuyện này, Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Xin ông cho biết về những khó khăn mà DN logistics Việt Nam đang gặp phải?
Khi thực hiện dịch vụ logistics thì hạ tầng, kể cả phần cứng (kho bãi) và mềm (phần mềm quản trị) có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay đa số DN logistics của Việt Nam đều là các DNNVV, vốn điều lệ bình quân chỉ khoảng 4 - 6 tỷ đồng với số lượng lao động 30 - 40 người, trong đó chỉ 5 - 7% nhân công được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Vì là DNNVV nên khả năng tiếp cận vốn của DN dịch vụ logistics rất khó khăn. Vốn ít khiến DN không dám mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng để hoạt động nên họ buộc phải thuê ngoài. Thống kê sơ bộ của chúng tôi cho thấy, gần 70% DN logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản; việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng, còn lại phải đi thuê ngoài. Chính vì thế, chỉ có 20% thị phần nằm trong tay DN nội, “miếng bánh” lớn 80% còn lại ở trong tay DN có vốn nước ngoài.
Ngành dịch vụ logistics của nước ta rất tiềm năng. Thực tế là hiện có rất nhiều DN dịch vụ logistics có vốn nước ngoài có quy mô khác nhau đang “lao vào” khai thác thị trường dịch vụ logistics Việt Nam. Riêng Hàn Quốc, hiện có hơn 200 DN đang hoạt động tại Việt Nam… Họ vào Việt Nam theo kiểu “theo chân” những nhà đầu tư Hàn Quốc để phục vụ cho hoạt động của DN FDI, tức là các nhà thầu logistics nước ngoài thường thắng thầu ở những gói thầu liên quan đến vận chuyển từ phía nước ngoài.
Thế còn năng lực của DN logictics Việt Nam thế nào?
Các DN logistics Việt Nam có năng lực khá tốt, nắm trong tay nhiều phương tiện và thiết bị rất quan trọng như: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty CP Vận tải biển Vinafco… Hiện nay, nhiều gói thầu lớn cung cấp dịch vụ logistics cho các DN lớn như: Samsung, Vinamilk, các công ty sản xuất thép… đều do các nhà thầu trong nước đảm nhận.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, theo ông, các chính sách hiện nay đã tạo điều kiện cho ngành phát triển hay chưa?
Các chính sách hiện nay về logistics chưa thực sự phát huy được hiệu quả, do đó chưa giúp được nhiều cho cộng đồng DN logistics Việt phát triển. Đơn cử như đầu tư phát triển hạ tầng ngành dịch vụ logistics thì vẫn chủ yếu là do DN tự đầu tư là chính.
Với Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 vừa được ban hành là một dấu mốc rất quan trọng thể hiện nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành logistics trong thời gian tới. Tôi mong rằng chính sách phải bảo đảm tương đối ổn định, từ đó DN mới có thể tạo điều kiện phát triển. Ví như vừa rồi Hải Phòng ban hành quy định thu phí hạ tầng cảng biển quá đột ngột khiến DN trở tay không kịp. DN chúng tôi luôn đồng hành cùng địa phương, ủng hộ Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, song việc thực hiện cũng phải có lộ trình, phải lắng nghe ý kiến của DN thì mới có thể tạo điều kiện cho DN nói chung cũng như cộng đồng DN logistics nói riêng phát triển.
Ông có kiến nghị gì nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam?
Tôi mong rằng, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công Quyết định 200, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, các chính sách khác về phí, giá dịch vụ, lãi suất… cũng nên có những hỗ trợ phù hợp để khối DN dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ.
Đối với các DN dịch vụ logistics có khả năng tài chính thì cần mạnh dạn đầu tư nhiều hơn nữa để tạo ra những DN dịch vụ logistics có quy mô lớn hơn, từ đó xuất khẩu dịch vụ của mình ra thế giới.