Chỉ định thầu vẫn áp đảo

(BĐT) - Lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu được đánh giá là kém cạnh tranh, song thực tế không ít cơ quan, đơn vị áp dụng hình thức này với số lượng lớn và tỷ lệ tiết kiệm đạt được rất thấp.
Năm 2018, tỉnh Khánh Hòa có 94,16% số gói thầu áp dụng chỉ định thầu. Ảnh: Tiên Giang
Năm 2018, tỉnh Khánh Hòa có 94,16% số gói thầu áp dụng chỉ định thầu. Ảnh: Tiên Giang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) bày tỏ lo ngại về thực trạng này trong trong Báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2018 vừa trình Thủ tướng Chính phủ.

Báo cáo nêu rõ, năm 2018 cả nước có tổng số 249.622 gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu thì hình thức chỉ định thầu chiếm số lượng gói thầu lớn.

Cụ thể, đối với các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển (không bao gồm các gói thầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ) thì chỉ định thầu có số lượng gói thầu lớn nhất với 127.026 gói thầu (chiếm 70,51%), với tỷ lệ tiết kiệm tương đối thấp, chỉ đạt 2,87%, tăng nhẹ so với năm 2017 (2,8%).

Ở các gói thầu sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, chỉ định thầu cũng chiếm tỷ lệ cao nhất với 64,93% số lượng gói thầu.

Về hiệu quả công tác đấu thầu, Bộ KH&ĐT đánh giá, trong năm 2018, tỷ lệ tiết kiệm chung của cả nước đạt 5,26%, giảm rõ rệt ro với năm 2017 (6,98%). Chỉ định thầu vẫn là hình thức có số lượng gói thầu cao nhất với 172.251 gói thầu, chiếm 69% tổng số gói thầu, tuy nhiên, về tỷ trọng giá trị chỉ định thầu năm 2018 (8,88%) giảm so với năm 2017 (13,34%).

Một số địa phương có số lượng và tỷ trọng gói thầu chỉ định thầu lớn và tỷ lệ tiết kiệm thấp. Điển hình trong số này là tỉnh Khánh Hòa với 94,16% số gói thầu áp dụng chỉ định thầu, tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt 0,26%. Tỉnh Hòa Bình có tới 81,72% số lượng gói thầu áp dụng chỉ định thầu, tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt 0,16%. Tỉnh Phú Yên có 86,92% số lượng gói thầu áp dụng chỉ định thầu, tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt 0,49%.

Hình thức chỉ định thầu không chỉ áp đảo trong lựa chọn nhà thầu mà còn áp đảo trong lựa chọn nhà đầu tư. Năm 2018, có 71/90 dự án PPP đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư thì có 48 dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu (chiếm 69%), trong đó có 44/48 dự án chỉ định thầu do chỉ có 1 nhà đầu tư tham dự.

Cũng theo Báo cáo, hiện nay có tình trạng nhiều dự án, gói thầu không thực sự đặc thù, đặc biệt, có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định, song người có thẩm quyền không tự quyết định mà trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu. Đáng chú ý, một số gói thầu sau khi được Thủ tướng chấp thuận áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt do yêu cầu cấp bách về thời gian những sau đó công tác triển khai các bước tiếp theo rất chậm trễ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu quyết tâm và thiếu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; năng lực của nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu và tư vấn đấu thầu chưa đáp ứng yêu cầu; xử phạt về đấu thầu chưa nghiêm minh, chế tài chưa đủ sức răn đe đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu…

Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh yêu cầu tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà thầu qua mạng, giảm số lượng gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính cạnh tranh. Khi thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức thẩm định, người có thẩm quyền của dự án/gói thầu tránh chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Đối với những gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu, yêu cầu chủ đầu tư/bên mời thầu áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu mang tính chất cạnh tranh hơn.

Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu với hiệu quả thực hiện công tác đấu thầu, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp dung túng, buông lỏng quản lý…

Tin cùng chuyên mục