Sáng 24/2, Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận và cho ý kiến về báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác của Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ QH khóa XIII.
Báo cáo trước Thường vụ QH, Tổng kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, KTNN đã hoàn thành toàn diện kế hoạch kiểm tra tại 865 lượt đơn vị, đầu mối đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra, gồm: 83 lượt kiểm toán tại các bộ, cơ quan TW; 181 lượt kiểm toán tại các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; 92 cuộc kiểm toán chuyên đề; 186 cuộc kiểm toán dự án đầu tư; 169 cuộc kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và tổ chức tài chính, ngân hàng; 139 cuộc kiểm toán tại các đơn vị thuộc khối quốc phòng, an ninh và cơ quan Đảng; 9 cuộc kiểm toán hoạt động; 6 cuộc kiểm toán khác.
Ngoài ra, hàng năm, KTNN đã thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN theo quy định của Luật KTNN nhằm xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo, làm cơ sở để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm.
Theo ông Vạn, số cuộc kiểm toán đã tăng dần một cách hợp lý qua từng năm, khoảng 10% (Năm 2011 là 152, năm 2012 là 161, năm 2013 là 151, năm 2014 là 191 và năm 2015 là 210 đầu mối), quy mô của các cuộc kiểm toán cũng có sự thay đổi.
“Trong nhiệm kỳ, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 101.037 tỷ đồng (tăng thu NSNN 23.017 tỷ đồng, giảm chi 22.503 tỷ đồng, các khoản nợ đọng tăng thêm 9.868 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả, quản lý qua NSNN 43.414 tỷ đồng và kiến nghị xử lý tài chính khác 2.235 tỷ đồng); kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản (13 nghị định, 52 thông tư, 01 chỉ thị, 112 quyết định, 15 nghị quyết, 67 công văn, 100 văn bản khác...”, ông Vạn cho biết.
Kiến nghị qua nhiều năm chưa được xử lý
Thảo luận ý kiến tại phiên làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, ông rất chú ý đến báo cáo của Kiểm toán. Đây là “phương tiện, vũ khí” của QH để giám sát tài chính Quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Phước, hiện có rất nhiều kiến nghị của Kiểm toán chưa được thực hiện triệt để. Vấn đề này ông đã từng phát biểu, cần xem cơ quan hữu quan thực thi thế nào, xem đúng hay sai. Tuy nhiên, cứ qua năm này năm khác kiến nghị, toàn tiền hàng nghìn tỷ cả nhưng chưa được xử lý.
Theo ông Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ngành Kiểm toán Nhà nước đến nay đã hoạt động được 20 năm nhưng vẫn đang trong giai đoạn kiện toàn lại rất nhiều về các công việc. Ngay tổ chức, bộ máy cán bộ hiện mới đạt hơn 70%, trong đó nhu cầu kiểm toán ngày càng tăng, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường.
“Điểm yếu của hoạt động KTNN hiện nay là sự phối hợp vai trò của QH, các cơ quan của Chính phủ trong việc xem xét giải quyết các nghị quyết của QH, các kiến nghị của KTNN chưa tốt nên chưa đánh giá được kiến nghị nào đúng, kiến nghị nào chưa phù hợp. Do đó, cần phải đổi mới cả hai bên”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, công tác kiểm toán trong nhiệm kỳ này so với nhiệm kỳ trước tốt hơn nhiều. Số liệu phòng chống tham nhũng năm sau cũng tốt hơn năm trước.
Tuy nhiên, cần phải tiếp tục cân nhắc khắc phục việc chồng chéo trùng lắp trong việc kiểm tra phòng chống tham nhũng. “Có địa phương nói với tôi không biết “đất đai màu mỡ” làm sao mà kiểm tra kiểm toán đến nhiều quá, đoàn này vừa đi đoàn khác về, trong khi đó, địa phương khác không thấy”, ông Hiện nói.
Theo ông Hiện, trong quá trình kiểm toán đã kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng nhưng chủ yếu xử phạt hành chính còn kiến nghị xử lý về mặt hình sự thì còn hạn chế.
“Những người tham nhũng thường có trình độ rất cao và có trình độ che giấu cho nên chỉ khi nội bộ đấu nhau, báo chí vào cuộc thì mới phát hiện ra”, ông Hiện cho biết.
Đề cập đến công tác tổ chức cán bộ, ông Hiện cho rằng, theo báo cáo Kiểm toán còn thiếu rất nhiều cán bộ. Mặc dù, theo đánh giá đại đa số cán bộ kiểm toán thực hiện tốt nhiệm vụ nhưng vẫn còn một số kiểm toán có tiêu cực. Tuy nhiên, trong báo cáo không chỉ ra số liệu này, do đó cần phải bổ sung để răn đe trong hoạt động trong thời gian tới.
Cho ý kiến về vấn đề đang thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý KTNN phải bám sát chức năng, quyền hạn của kiểm toán để làm báo cáo. Đối tượng của kiểm toán là tài sản công của Quốc gia. Công tác kiểm toán bao phủ chưa, tổ chức trọng tâm, trọng điểm chưa?
Theo Chủ tịch Quốc hội, mỗi cuộc kiểm toán đều có kết luận, kiến nghị nhưng đã được thực hiện thế nào, đem lại lợi ích cho dân sinh, đất nước thế nào, bản thân ngành kiểm toán trưởng thành thế nào… đó là báo cáo tổng kết.
“Trong này tôi thấy giống báo cáo kiểm toán hơn là báo cáo tổng kết. Báo cáo kiểm toán phải là hoạt động quản lý tài sản công phải tiết kiệm, các sai phạm rút ra đã được chấn chỉnh. Từ đó mới rút ra được hoạt động kiểm toán trong thời gian tới phải làm gì…”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.