Giá cước vận tải đường biển tăng “phi mã” ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: Lê Tiên |
Cước tăng phi mã
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết, những ngày gần đây, giá cước vận tải, trong đó có vận tải biển tăng chóng mặt khiến các DN xuất khẩu (XK) như Sao Ta gặp không ít khó khăn.
Theo ông Lực, ngay từ những ngày đầu năm 2022, mọi chi phí đối với DN đều tăng, trong đó đáng ngại nhất là chi phí vận chuyển container lạnh.
“Chi phí vận chuyển container lạnh ở những thị trường xa như: châu Mỹ, châu Âu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và đang lan sang các thị trường gần. Lâu nay, giá cước vận tải biển đi Nhật Bản, Hàn Quốc gần như không biến động mạnh nhưng hiện giá cước đang tăng gấp 3 - 4 lần so với thời điểm trước đại dịch Covid-19”, ông Lực cho biết.
Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP) phản ánh, nhiều DN XK thủy sản đang “đau đầu” vì đơn hàng XK nhiều nhưng cước vận chuyển liên tục tăng. Đơn cử, cước vận tải biển đi Mỹ từ mức 3.000 USD/container trước dịch Covid-19 nay lên tới 13.000 - 14.000 USD/container đi bờ Tây, còn đi bờ Đông là 17.000 USD/container...
Đối với DN ngành gỗ, theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, từ đầu năm 2022 tới nay, số lượng đơn hàng XK của các DN tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, các loại chi phí như nguyên vật liệu, nhân công… đều tăng cao, gián tiếp tác động đến sức cạnh tranh của sản phẩm ngành gỗ.
Đối với giá cước vận chuyển, ông Phương cho biết, thường do người mua trả. Bình thường trước đây, DN gỗ sản xuất xong, nếu giá cước vận tải ổn định thì chủ hàng sẽ lấy hàng ngay, nhưng hiện nay DN XK gỗ đối mặt với hai khó khăn lớn là thiếu container rỗng, giá cước vận chuyển cao nên các chủ hàng thường chờ đợi giá hạ nhiệt mới lấy hàng, đẩy DN vào thế khó.
Tại Diễn đàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2022 mới đây, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, chi phí đầu vào cũng như cước vận chuyển đang tăng ít nhất 1,5 lần, thậm chí tăng 5 - 10 lần đang ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DN, của quốc gia.
Cấp thiết tháo “nút thắt” logistics
Trước thực trạng chi phí logistics đang tăng từng ngày, từng giờ, ảnh hưởng đến “sức khỏe” cũng như sức cạnh tranh của DN XK, 5 hiệp hội DN liên quan đến vận tải đường thủy gồm: Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam đã cùng ký vào công văn gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề xuất không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.
Theo các hiệp hội DN, phương tiện vận tải bằng đường thủy không sử dụng kết cấu hạ tầng công cộng, công trình dịch vụ trong khu vực cửa khẩu cảng biển, không gây ùn tắc giao thông. Do đó, một số địa phương áp dụng thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa là chưa đúng đối tượng, gián tiếp ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phương kiến nghị nên tạm thời dừng thu loại phí này để hỗ trợ DN. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm những DN vận tải cấu kết tăng giá cước, tránh tình trạng “té nước theo mưa” gây khó khăn cho DN XK.
“Vừa qua, Hàn Quốc thông báo phạt tổng cộng 96,2 tỷ won (tương đương 80,7 triệu USD) đối với 23 công ty vận tải biển của Hàn Quốc và nước ngoài do đã cấu kết để điều chỉnh giá cước”, ông Phương dẫn chứng.
Cùng với việc xử lý nghiêm những DN cấu kết tăng giá cước vận tải, một số chuyên gia thuộc Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, để tiết kiệm chi phí cước vận tải, điều DN XK cần làm lúc này là tiếp tục tìm kiếm đại lý, hãng tàu có giá cước vận tải hợp lý để XK hàng hóa.