Chi phí tăng cao, doanh nghiệp chật vật ứng phó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt sau 3 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, giá vật liệu xây dựng cũng như giá cước vận tải vẫn tăng. Tình trạng này đang làm gia tăng áp lực, cản trở những nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cước phí vận chuyển tăng, thời gian giao hàng của hãng tàu chậm làm tăng áp lực cho nhiều doanh nghiệp, nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên
Cước phí vận chuyển tăng, thời gian giao hàng của hãng tàu chậm làm tăng áp lực cho nhiều doanh nghiệp, nhà thầu. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 12/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong kỳ điều chỉnh này, mỗi lít xăng RON 95 giảm 840 đồng/lít, còn ở mức 27.310 đồng mỗi lít; xăng E5 RON 92 giảm 830 đồng/lít, còn ở mức 26.470 đồng mỗi lít. Giá dầu cũng điều chỉnh giảm. Như vậy, giá xăng trong nước đã có lần điều chỉnh giảm thứ 3 liên tiếp sau một thời gian tăng mạnh.

Dù giá xăng dầu trong nước đã hạ nhiệt, nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng cũng như chi phí logistics chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí vẫn tiếp tục tăng.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đang chịu nhiều áp lực về giá cũng như thời gian giao hàng.

“Về giá, dù giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm nhưng cước phí vận chuyển không giảm so với trước đó. Đặc biệt, cước phí vận chuyển các mặt hàng vật tư quan trọng nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam để sản xuất thang máy đều tăng với mức trung bình từ 10 - 40% tùy loại”, ông Vũ cho biết. Không chỉ tăng cước phí vận chuyển, thời gian giao hàng của các hãng tàu cũng chậm gấp đôi so với trước khiến nhà thầu rất bị động trong việc thực hiện các gói thầu đã ký. Ngoài ra, giá cả nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất nói chung, thang máy nói riêng tiếp tục leo thang. Đặc biệt, nguồn cung Niken (làm thép không gỉ) giảm mạnh do xung đột Nga - Ukraine khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, giá cước container vận chuyển quốc tế vẫn “trên trời”. Theo ông Bình, nguyên nhân của việc giá cước vận chuyển container quốc tế tăng cao là doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các hãng tàu quốc tế. Trong khi đó, các hãng tàu này liên tục lấy lý do giá xăng dầu tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng… để “bắt tay” nhau tăng giá cước.

Trước áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào, từ tháng 3/2022 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước liên tục có thông báo điều chỉnh tăng giá bán, nhất là mặt hàng thép, xi măng…. Theo báo giá sắt thép của Hòa Phát, Việt Nhật, Thái Nguyên, Kyoei… cập nhật ngày 18/4/2022, sản phẩm thép xây dựng tiếp tục neo cao, từ 18.200 - 19.700 đồng/kg tùy loại.

Trước đà tăng của giá cả, nhiều nhà thầu nhận thông báo trúng thầu mà lo nhiều hơn mừng, nhất là ở những gói thầu ký kết theo hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định.

Công ty CP Việt Vương vừa trúng một loạt các gói thầu cung cấp và vận chuyển cột thép cho các Dự án Đường dây 220 kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ; Trạm biến áp 220 kV Nghĩa Lộ và đường dây 220 kV đấu nối Nghĩa Lộ - TBA 500 kV Việt Trì; Lưới điện hiệu quả tại các thành phố vừa và nhỏ - giai đoạn 2… Theo nhà thầu này, trúng thầu thì vui vì có công ăn việc làm nhưng ở thời điểm này, lo nhiều hơn. Đại diện Việt Vương cho biết, các gói thầu đều thực hiện theo hợp đồng đơn giá cố định. Tại thời điểm mời thầu, giá thép chưa cao như hiện nay. Vì vậy, nếu nhà thầu không có phương án triển khai hiệu quả thì rủi ro là rất lớn.

Tháo gỡ khó khăn cho các DN, cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình giao thông.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai…

Để giảm chi phí vận tải và nâng cao tính chủ động cho hoạt động xuất nhập khẩu, Dự thảo Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam đang được lấy ý kiến trước khi hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo nhiều doanh nghiệp, đây là bước đi cần thiết, quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào các hãng tàu quốc tế, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Tin cùng chuyên mục