POBI 2018 do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện. Điểm mới của POBI 2018 bao gồm hai trụ cột là minh bạch công khai ngân sách và sự tham gia của người dân. Điểm xếp hạng minh bạch ngân sách được đánh giá với 65 câu hỏi và 9 loại tài liệu phải công khai, trong đó có 7 tài liệu bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách nhà nước 2015. Đồng thời, khảo sát cũng đánh giá tính đầy đủ, kịp thời, sẵn có và thuận tiện của các tài liệu về ngân sách địa phương.
Điểm mới của POBI 2018 bao gồm hai trụ cột là minh bạch công khai ngân sách và sự tham gia của người dân. Ảnh: Ngọc Minh
Theo ông Vũ Sỹ Cường - đại diện Nhóm nghiên cứu POBI 2018, năm 2018, có 6 tỉnh, thành phố công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước (Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Quảng Nam và Hậu Giang) và không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Trong khi đó, năm 2017 có 4 tỉnh có điểm số POBI bằng 0 và không có tỉnh nào công khai đầy đủ thông tin về ngân sách.
Nhóm những tỉnh, thành ít công khai thông tin về ngân sách có thể kể đến Bình Phước, Bắc Giang, Hòa Bình, Hải Phòng, TP. Hà Nội, TP.HCM...
POBI 2018 cũng cho thấy mức độ công khai ngân sách tỉnh có sự khác biệt giữa các vùng. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất. Vùng trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất.
Trong số các tài liệu bắt buộc phải công bố, Nhóm nghiên cứu POBI 2018 cho biết, dự thảo dự toán trình HĐND tỉnh là tài liệu có sự thay đổi lớn nhất giữa POBI 2017 và POBI 2018. Có 47 tỉnh (73%) có công khai dự thảo dự toán ngân sách tỉnh trình HĐND tỉnh, tăng mạnh so với năm 2017 (27 tỉnh, chiếm 42,9%). Quyết toán ngân sách tỉnh là tài liệu có số lượng các tỉnh công bố công khai nhiều thứ hai.
Trong khi đó, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách tỉnh năm 2018 có tỷ lệ các tỉnh tuân thủ quy định về công khai thông tin thấp nhất, chỉ đạt 54% (35/63 tỉnh thành). Đặc biệt, số tỉnh công bố đúng hạn năm 2018 là 15 tỉnh (23,8%), giảm 9,5% so với khảo sát POBI 2017. Chỉ có 25 tỉnh (39%) công bố đầy đủ 3 bảng biểu quy định.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có 29 tỉnh công bố công khai dự thảo dự toán trình HĐND tỉnh đúng thời gian quy định, 7 tỉnh công bố chậm (từ 15 đến 30 ngày) và 11 tỉnh công bố sau 30 ngày hoặc không xác định được chính xác thời điểm công bố. Có tới 16 tỉnh (chiếm 27%) không công bố công khai hoặc chỉ công khai nội bộ.
Đối với một số tài liệu như báo cáo ngân sách nhà nước dành cho công dân, tài liệu về kế hoạch đầu tư công, kết quả kiểm toán ngân sách tỉnh, kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước các năm 2016, 2017..., mặc dù không bắt buộc phải công khai nhưng đã có tỉnh thực hiện công khai như Đà Nẵng (sau 30 ngày được phê duyệt)... Theo đánh giá của Nhóm nghiên cứu, đây là dấu hiệu tốt, rất đáng khích lệ, thể hiện mức độ công khai ngân sách của các địa phương.
Cần tạo điều kiện cho người dân tham gia góp ý
Mục tiêu công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước là để cho người dân tham gia ý kiến trước khi ban hành. Do đó, theo Nhóm nghiên cứu, để cải thiện chỉ số POPI, các tỉnh cần có trách nhiệm, chủ động công khai hơn nữa và thúc đẩy sự tham gia của người dân thông qua tiếp cận tài liệu ngân sách, ngay từ bước xây dựng dự thảo chứ không đợi đến khi phê duyệt.
Bình luận về việc công khai ngân sách của các địa phương, ông Nguyễn Minh Tân - Vụ Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, qua POBI 2018 cho thấy, người dân còn quan tâm tới các tiêu chí khác nữa trong việc công khai thông tin ngân sách nhà nước như tính đầy đủ, kịp thời, sẵn có và thuận tiện. Vì vậy, các tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện.
Bên cạnh đó, ông Tân cũng cho rằng, Nhóm nghiên cứu cần xem xét tính toàn diện trên cơ sở phân cấp của các địa phương khi đưa ra các tiêu chí đánh giá POBI. Hiện có tới 16 tỉnh, thành phố tự điều tiết ngân sách như TP.HCM, TP. Hà Nội... Điều này có thể lý giải vì sao chỉ số công khai ngân sách của các địa phương này còn thấp.
Để cải thiện chỉ số POBI trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR khuyến nghị, các tỉnh cần xây dựng và công bố quy chế nội bộ về quy trình cung cấp thông tin theo quy định; chủ động trong việc phản hồi các câu hỏi của người dân về ngân sách, tăng cường tương tác, trao đổi với người dân...
Thực tế, kết quả khảo sát POBI 2018 cho thấy, mặc dù tỉnh nào cũng có cổng thông tin điện tử và trên đó đều có thư mục hỏi đáp và email liên hệ, thế nhưng mức độ phản hồi của các tỉnh đối với người dân rất thấp. Chỉ có 3/63 tỉnh có phản hồi câu hỏi của Nhóm nghiên cứu qua mục hỏi đáp, 6/63 tỉnh trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của Nhóm nghiên cứu qua email.