Chính phủ đồng hành, doanh nghiệp vững tâm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong giai đoạn cam go nhất của dịch bệnh Covid-19 đến giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước cảm nhận rõ nét về một Chính phủ luôn đồng hành, kề vai sát cánh, một Chính phủ lắng nghe và hành động với những quyết sách kịp thời, hiệu quả. Niềm tin ấy là bệ đỡ để DN vững tâm vượt qua khó khăn, tiếp tục xây dựng những kế hoạch phát triển mới…
Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Ảnh VGP
Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Ảnh VGP

Chính phủ kề vai sát cánh cùng DN vượt khó

Nhắc lại thời điểm đại dịch bùng phát, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) chia sẻ, mỗi ngày VCCI nhận được hàng trăm phản ánh khó khăn từ DN. Từ phản ánh của DN, VCCI đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức ngay Hội nghị trực tuyến với cộng đồng DN cùng các địa phương, tìm giải pháp vượt qua thách thức đại dịch. Hội nghị diễn ra ngày 26/9/2021, như ông Phạm Tấn Công nói, là cuộc “giải vây ngoạn mục” trong bối cảnh dịch bệnh bao phủ lúc bấy giờ. Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo, lắng nghe DN, đưa ra 3 quyết sách lớn: chuyển chiến lược phòng chống Covid-19 sang thích ứng linh hoạt; tổ chức tiêm vaccine nhanh chóng; vạch ra giải pháp hỗ trợ DN phục hồi và phát triển hậu đại dịch.

Sau Hội nghị, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 (NQ 128). Một năm sau khi Nghị quyết được ban hành, nền kinh tế nước ta phục hồi và phát triển trên tất cả các lĩnh vực và trở thành điểm sáng trên trường quốc tế. Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam; Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm 2022 sẽ cao hơn mục tiêu dự kiến… Những chính sách ban hành rất kịp thời, nhiều giải pháp chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ DN phục hồi, hỗ trợ người lao động trở lại với guồng máy sản xuất, kinh doanh... Sự hợp sức của Chính phủ cùng DN đã "biến nguy thành cơ", chớp lấy cơ hội khi chuỗi sản xuất toàn cầu bị đứt gẫy. Kết thúc 9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 550 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ 2021. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 12 năm qua…

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, chính sự phối hợp hai chiều giữa Chính phủ và DN đã giúp nền kinh tế vượt qua thách thức đại dịch, nối được các chuỗi sản xuất của DN Việt Nam với thế giới. Việc bám sát DN, nắm được nhu cầu của nền kinh tế giúp Chính phủ đưa ra quyết sách rất phù hợp, hiệu quả. Ông Trần Đình Thiên đánh giá, NQ 128 có giá trị đặc biệt, là Nghị quyết về phục hồi và phát triển chứ không chỉ phục hồi. “Các nước thông thường chỉ có giải pháp phục hồi, chúng ta mặc dù còn yếu, nhưng xác định giải pháp là nhằm phục hồi và phát triển, NQ 128 cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ, nhân lúc này tranh thủ cơ hội để phát triển đất nước”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Cộng lực cho những chính sách đúng, trúng và hiệu quả

Với dấu ấn tăng trưởng cao trong 6 tháng, 9 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế nước ta đã bước sang một trạng thái mới, phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, nhiều điểm nghẽn cũ vẫn còn và nhiều khó khăn mới đang xuất hiện, đặt ra thêm những bài toán hóc búa cho Chính phủ trong hoạt động điều hành, làm sao để nền kinh tế vừa phục hồi, tăng trưởng cao, vừa phát triển bền vững.

Bên cạnh những cuộc làm việc trực tiếp tại địa phương, từ đầu năm đến nay, Chính phủ có nhiều cuộc làm việc, đối thoại với cộng đồng DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước để lắng nghe, thấu hiểu và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN tranh thủ cơ hội bứt phá. Ngày 24/3/2022, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DN nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội". Ngày 11/8/2022, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các DN với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Hơn 1 tháng sau, ngày 17/9/2022, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN đầu tư nước ngoài có chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển", kết nối trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức...

Tại các hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, với phương châm: "Lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực", đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên đầu tư với lợi ích nhà nước và nhân dân trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Đại diện Eurocham đánh giá, với những quyết sách linh hoạt và sáng tạo, với tinh thần cầu thị của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu lạc quan về tương lai của Việt Nam. Eurocham tin tưởng, với tinh thần này, Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn hiện tại và chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Việt Nam cho rằng, việc đối thoại thường xuyên giữa DN và Chính phủ tạo cơ hội để giải quyết các vấn đề và kịp thời điều chỉnh chính sách, hướng đến các ưu tiên chung của Nhà nước và cộng đồng DN trong việc thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến bất lợi, nền kinh tế nước ta đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức mới đến từ nỗi lo lạm phát, đứt chuỗi, dịch chuyển vốn… Sự đồng hành, lắng nghe và phối hợp hai chiều giữa Chính phủ và DN cần chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa, để tạo sức mạnh cộng lực cho những chính sách đúng, trúng, phát huy giá trị thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục