Vì vậy, mục đích chuyến thăm và làm việc của đoàn Italy lần này ở Trung tâm Công nghệ Giày Việt – Ý là để đánh dấu một cột mốc phát triển mới theo hướng bền vững và lâu dài giữa hai nước trong lĩnh vực da giày. Bởi đây là một ngành công nghiệp được đánh giá rất quan trọng và then chốt đối với nền kinh tế của cả hai quốc gia và nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ hai nước.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho rằng, ngành da giày Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với Italy nói riêng và thị trường Liên minh châu Âu (EU) nói chung. Italy là trung tâm thời trang của thế giới, cho nên việc mở rộng quan hệ thương mại Việt Nam – Italy trong lĩnh vực da giày là rất cần thiết và trao đổi thương mại trong thời gian qua đã có bước phát triển khá tốt.
Trung tâm Công nghệ Giày Việt - Ý ra đời là cầu nối giữa hai nước Việt Nam và Italy. Ngành da giày luôn là lĩnh vực được các doanh nghiệp Italy quan tâm đầu tư tại thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm của một quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong ngành da giày, Italy sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc hợp tác và ra đời của Trung tâm Công nghệ Giày Việt - Ý nhằm chuyển giao công nghệ, tư vấn và hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn cho ngành công nghiệp sản xuất da giày Việt Nam.
“Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm da giày sang Italy đạt kim ngạch hơn 380 triệu USD, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU. Trung tâm Công nghệ Giày Việt - Ý nhằm góp phần thúc đẩy sự nghiên cứu và phát triển sản phẩm da giày Việt Nam; đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao, ứng dụng máy móc hiện đại – công nghệ tiên tiến hàng đầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực thiết kế, sản xuất giày dép của Việt Nam có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế”, ông Nguyễn Đức Thuấn nhấn mạnh.