Năng lượng mặt trời sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực cung cấp điện giờ cao điểm. Ảnh: Lê Toàn |
Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, nhưng cách đây 2 ngày, Thường trực Chính phủ đã chính thức họp bàn về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định liên quan tới cơ chế này. Nếu được thông qua, đây sẽ là cú hích hỗ trợ thúc đẩy phát triển điện mặt trời ở Việt Nam.
Thực tế, ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất đầu tư các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, ngoài dự án của Thiên Tân đã khởi công xây dựng tại Quảng Ngãi, với công suất 19,2 MW, tổng vốn đầu tư 826 tỷ đồng, dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào năm 2016.
Đầu tuần này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lại một lần nữa làm việc với Tập đoàn Tài chính Royale Star Holdings Pte., Ltd (Singapore) về kế hoạch đầu tư dự án điện mặt trời tại địa phương này. Đầu năm ngoái, chính Royale Star đã cùng Tập đoàn Arman Holding Wordwide (Nga) tới Quảng Nam đề xuất hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển năng lượng thiên nhiên (Việt Nam) để triển khai xây dựng một nhà máy điện mặt trời với công suất dự kiến 100 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 140 triệu USD.
Cũng năm ngoái, hai công ty đến từ Anh là G.T & Associates và Marshall & Street Ltd đã đề xuất xây dựng tại Quảng Nam một nhà máy điện mặt trời với tổng vốn đầu tư khoảng 225 triệu USD. Trong đó, giai đoạn I, vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD, công suất 50 MW; giai đoạn II, vốn đầu tư 150 triệu USD, công suất 100 MW.
Trong khi đó, cuối tuần trước, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản thống nhất về nguyên tắc cho phép Công ty TNHH Kimin Power (Anh) được nghiên cứu, khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư dự án năng lượng mặt trời công suất 150 MW tại khu đất diện tích khoảng 250 ha thuộc xã Phổ An, huyện Đức Phổ. Với quy mô như vậy, nếu quyết định đầu tư, Kimin Power sẽ phải dốc khoản vốn vài trăm triệu USD.
Đó chỉ là những nhà đầu tư mới. Còn nếu tính cả các nhà đầu tư từ hơn 1 năm qua đã tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án điện mặt trời thì có thể kể đến Hanwha (Hàn Quốc) với kế hoạch đầu tư nhà máy có công suất 100 - 200 MW, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD tại Thừa Thiên Huế; hay Solar Park (Hàn Quốc) với đề xuất dự án 300 MW, vốn đầu tư 550 - 600 triệu USD tại Hà Tĩnh. Tata Power, công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ), bên cạnh quyết tâm đầu tư các dự án nhiệt điện tại Sóc Trăng, cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án điện gió và điện mặt trời tại Sóc Trăng và Ninh Thuận.
Tại Ninh Thuận, vào giữa năm ngoái, Công ty TNHH Giải pháp năng lượng gió HBRE cũng đã báo cáo với UBND tỉnh này về việc đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời HBRE, công suất 30 MW, tổng mức đầu tư khoảng 40 triệu USD.
Và Thiên Tân, ngoài dự án đã khởi công ở Quảng Ngãi, cũng đã lên kế hoạch đầu tư một dự án điện mặt trời quy mô “khủng” nhất từ trước tới nay tại Việt Nam ở Ninh Thuận. Dự án dự kiến có vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD, quy mô 1.000 MW. Thiên Tân Solar Ninh Thuận sẽ được đầu tư làm nhiều giai đoạn, với 5 nhà máy, trong đó, nhà máy đầu tiên có công suất 50 MW, sẽ được xây dựng vào năm 2016. Tới năm 2020, Thiên Tân sẽ hoàn tất việc xây dựng cả 5 nhà máy, trong đó, nhà máy 4 và 5 đều có công suất 300 MW.
Để triển khai xây dựng các dự án trên, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây, Thiên Tân đã ký hợp đồng để mua các tấm pin năng lượng mặt trời của Tập đoàn First Solar, với trị giá hàng chục triệu USD.
Cơ hội phát triển là rất lớn, với nhiều nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên cũng giống như với điện gió, hầu hết các dự án điện mặt trời hiện mới dừng lại là đề xuất, hoặc mới cấp chứng nhận đầu tư, chứ chưa triển khai. Nguyên nhân cũng vẫn xuất phát từ giá mua điện được cho là rất thấp. Con số được Bộ Công thương từng đề xuất là 11,2 US cent/kWh, cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại của điện gió là 7,8 US cent/kWh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cho rằng, mức giá này là quá thấp, không đủ khuyến khích việc triển khai các dự án điện mặt trời.
Theo các nhà đầu tư, năng lượng mặt trời sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giảm áp lực cung cấp điện trong giờ cao điểm tại Việt Nam từ 9h30 đến 11h30 hàng ngày bằng cách thay đổi nhu cầu và cung cấp thêm điện cho lưới điện. Nhưng nếu so sánh, giá mua điện mặt trời được đề xuất thậm chí còn thấp hơn cả giá mua điện từ các nhà máy thủy điện cỡ nhỏ trong giờ cao điểm - hiện ở mức 12,38 US cent/kWh. Mức giá này cũng còn thấp hơn giá mà EVN bán lẻ cho khách hàng dùng điện cao thế trong giờ cao điểm, trung bình là 14,4 US cent/kWh.
Báo cáo “Xanh hóa gói điện năng - các chính sách mở rộng điện mặt trời ở Việt Nam”, được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố mới đây, đã đề xuất mức giá mua điện mặt trời vào lưới điện quốc gia là 15 US cent/kWh trong đất liền và 19 US cent/kWh ngoài hải đảo trong thời gian 20 năm.