Ảnh minh họa: Internet |
“Mở cửa” 21 cơ quan trung ương, 38 đơn vị sự nghiệp
Cũng như Luật Đấu thầu, Chương Mua sắm chính phủ (MSCP) của CPTPP đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên yêu cầu ở mức độ cao về tính công bằng, công khai, minh bạch. Các nội dung chính của Chương MSCP bao gồm: Không phân biệt đối xử; không sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa hoặc nhà thầu trong nước; và Biểu cam kết mở cửa thị trường MSCP quyết định phạm vi mở cửa của từng nước (Bản chào).
Tại chương này, Việt Nam cam kết mở cửa và thực hiện theo các đối tượng. Cụ thể, đó là các chủ đầu tư/bên mời thầu được liệt kê trong Bản chào, bao gồm 21 cơ quan cấp trung ương, không cam kết với các cơ quan thuộc Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đối với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa các gói mua sắm một số loại hàng hóa, dịch vụ nhất định. Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu thầu của 38 đơn vị sự nghiệp, bao gồm các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam.
Ngưỡng mở cửa của gói thầu được quy định riêng cho từng chủ đầu tư, bao gồm ngưỡng cho gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ nói chung, và ngưỡng cho mua sắm dịch vụ xây dựng. Đối với 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, ngưỡng mở cửa gói thầu hàng hoá được áp dụng đối với gói thầu mua thuốc cho từng bệnh viện có thời gian thực hiện hợp đồng từ 1 năm trở lên, hoặc gói thầu mua thuốc tập trung do Bộ Y tế thay mặt các bệnh viện tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp gói thầu mua thuốc của bệnh viện có thời gian thực hiện hợp đồng dưới 1 năm, ngưỡng mở cửa đối với gói thầu là 500.000 SDR (quyền rút vốn đặc biệt). Trường hợp gói thầu chỉ bao gồm một loại thuốc duy nhất, ngưỡng mở cửa là 180.000 SDR.
Tin tưởng Việt Nam sẽ tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP
Theo Bộ Công Thương, để CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN) và người dân, Chính phủ sẽ sớm ban hành Kế hoạch hành động để thực thi Hiệp định. Kế hoạch này sẽ chú trọng tuyên truyền, phổ biến về nội dung và tác động của Hiệp định tới công chúng. Chính phủ cũng tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định...
Với những giải pháp đề xuất, cùng sự chủ động của DN, người dân, Chính phủ nhận định, Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại.
Hướng dẫn thực hiện MSCP trong CPTPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện để trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thực thi điều ước quốc tế về đấu thầu. Để đảm bảo tuân thủ cam kết MSCP trong Hiệp định, kể từ ngày 14/1/2019, hoạt động lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu theo cam kết của Việt Nam trong CPTPP sẽ thực hiện theo quy định của Hiệp định.
Bản hướng dẫn thực hiện cam kết về đấu thầu trong Hiệp định CPTPP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 10/1/2019 nêu rõ, trong thời gian từ ngày 14/1/2019 đến ngày 31/12/2019, các gói thầu có giá bằng hoặc cao hơn ngưỡng quy định sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Ví dụ, ở cơ quan mua sắm cấp trung ương, gói thầu xây lắp có giá gói thầu từ 65.000.000 SDR trở lên (tương đương khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng) sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Với các cơ quan khác, ngưỡng của các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu là 3.000.000 SDR trở lên (tương đương khoảng 102 tỷ đồng); gói thầu xây lắp có giá gói thầu từ 65.200.000 SDR trở lên…
CPTPP cho phép các nước đang phát triển được áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Chẳng hạn như, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ không chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới các nghĩa vụ của mình theo Chương MSCP. Trong thời gian này, Việt Nam chỉ tham vấn với nước thành viên CPTPP có ý kiến quan ngại về việc thực thi nghĩa vụ của Việt Nam. Việt Nam được phép yêu cầu, xem xét, áp dụng hoặc thực hiện bất kỳ hình thức ưu đãi trong nước trong bất kỳ giai đoạn nào của quy trình lựa chọn nhà thầu trong 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kể cả cơ chế ưu đãi về giá theo tỷ lệ quy định. Biện pháp ưu đãi nội địa sẽ được loại bỏ từ năm thứ 26 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.