Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ông đánh giá như thế nào về Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị của TP.HCM, thưa ông?
Tôi luôn nhận thức rằng, chương trình này không chỉ thực hiện trong 5 năm tới, mà sẽ còn tiếp tục thực hiện trong nhiều thập niên nữa. Tôi cũng nhận thức là giữa công tác chỉnh trang đô thị cũ và công tác phát triển các khu đô thị mới có mối quan hệ hữu cơ.
Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị (CT&PTĐT) vừa định hướng mục tiêu, vừa tạo điều kiện để phát triển thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM. Nhìn tổng quát, thị trường BĐS TP.HCM có tiềm năng phát triển rất lớn, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong đó, vấn đề then chốt, có tính quyết định là phải tìm kiếm các giải pháp tăng cường vai trò định hướng của Nhà nước đối với thị trường BĐS để tập trung mọi nguồn lực thực hiện Chương trình.
TP.HCM với gần 13 triệu dân, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, đang và sẽ tiếp tục thu hút rất đông người nước ngoài đến làm việc và sinh sống. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng khoảng 2,8%/năm, nằm trong số các nước có tỷ lệ tăng nhanh nhất khu vực, với dân số đô thị chiếm hơn 26% (theo số liệu thống kê năm 2010), trong đó TP.HCM có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước, với dân số tăng trung bình mỗi năm tương đương dân số một quận (tốc độ tăng dân số cơ học 2,5%/năm, cao hơn tốc độ tăng dân số tự nhiên 1,07%/năm)… Việc thực hiện thành công Chương trình CT&PTĐT sẽ nâng cao chất lượng đô thị, chất lượng sống của cư dân, thu hút đầu tư và phát triển du lịch, tạo diện mạo mới cho TP.HCM.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng Chương trình CT&PTĐT chưa phát huy được hiệu quả. Ông có giải pháp nào cho vấn đề này không?
Tôi cho rằng, Chương trình CT&PTĐT phải bao gồm 2 cấu phần. Một là, chương trình chỉnh trang đô thị cũ bao gồm 3 nội dung trọng tâm: Chương trình chỉnh trang, xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng nặng, trước hết là 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, với mục tiêu giải quyết được 50% số chung cư này từ nay đến năm 2020; Chương trình chỉnh trang, di dời, tái định cư khoảng trên 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch; Chương trình chỉnh trang các khu dân cư cũ thấp tầng ở các phường, thị trấn, kể cả các khu dân cư nông thôn ở các huyện ngoại thành. Để thực hiện tốt vấn đề này, tôi đề nghị Thành phố thực hiện theo phương thức chỉnh trang đô thị theo từng ô phố, khối phố, khuyến khích hợp khối để tạo sự thông thoáng trên mặt đất, tăng thêm cây xanh, đường giao thông và các tiện ích khác.
Hai là, chương trình phát triển các khu đô thị mới sẽ mở rộng khu trung tâm cũ, hình thành thêm khu đô thị trung tâm mới của Thành phố bên kia sông Sài Gòn là Khu đô thị Thủ Thiêm và các khu đô thị vệ tinh trên các hướng quan trọng của Thành phố như Khu đô thị Nam Sài Gòn, Khu đô thị Tây Bắc, kể cả ở các tỉnh lân cận, trong tầm nhìn toàn Vùng đô thị TP.HCM.
Thời gian gần đây việc bị ngập xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Ông có ý đóng góp nào không, thưa ông?
Hơn 20 năm qua, Thành phố đã làm nên kỳ tích khi chỉnh trang lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Ruột Ngựa, kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Hiện nay Thành phố đang tiếp tục chỉnh trang kênh Tham Lương - Bến Cát, kênh Đôi - kênh Tẻ, rạch Xuyên Tâm... Đặc biệt, Thành phố đã thể hiện dũng khí để sửa sai khi quyết định khai thông lại kênh Hàng Bàng. Tôi đề nghị Thành phố chỉ đạo quyết liệt để khôi phục lại dòng chảy đoạn thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc mà nay đã biến thành cống hộp, hoặc đã bị lấn chiếm như kênh A41, kênh Hy Vọng, kênh Nhật Bản để góp phần tiêu thoát nước cho khu vực Tân Bình - Sân bay Tân Sơn Nhất.
Đầu những năm 2000, Thành phố đã quy hoạch các hồ điều tiết nước lớn các khu vực; dành quỹ đất tự nhiên dự trữ cho nước chảy tràn. Thành phố cũng đã có nhiều quy định để bảo vệ hệ thống điều tiết và thoát úng nhưng việc thực hiện các quy định này chưa nghiêm. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng ngập nặng do mưa và triều cường hiện nay.
Xin cảm ơn ông!