Mỹ hoàn toàn có khả năng trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong tương lai gần. |
“Bản giao hưởng” FDI từ Mỹ thêm nốt nhạc mới khi xuất hiện thông tin đáng chú ý vào giữa tuần này. Đó là Microsoft, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, bất ngờ công bố việc bán mảng điện thoại phổ thông, trong đó có nhà máy sản xuất điện thoại di động Microsoft Mobile Việt Nam tại Bắc Ninh cho FIH Mobile Ltd., thuộc Tập đoàn Công nghệ Hon Hai/Foxconn (Đài Loan) và HMD Global, Oy (Phần Lan). Giá trị của thương vụ là 350 triệu USD
Cũng cần phải nhắc lại rằng, kể từ cuối năm 2014, sau khi chính thức nhận chuyển giao nhà máy này từ Tập đoàn Nokia, Microsoft đã bắt đầu các động thái dịch chuyển sản xuất về Việt Nam. Cũng vì vậy, Microsoft Mobile Việt Nam luôn được coi như một ví dụ điển hình về một làn sóng đầu tư nước ngoài nói chung, từ Mỹ nói riêng đang chảy vào Việt Nam.
Nay, Nhà máy Microsoft Mobile Việt Nam sẽ được chuyển giao cho Foxconn và đương nhiên, phần vốn đầu tư của Nhà máy sẽ được tính cho các nhà đầu tư Đài Loan, chứ không còn là khoản đầu tư từ Mỹ. Foxconn có thể sẽ thực hiện việc gia công sản xuất các sản phẩm điện thoại mang thương hiệu Nokia cho HMD tại chính nhà máy trước kia thuộc về Nokia.
Nhưng đó là một câu chuyện khác. Còn hiện tại, dù việc Microsoft bán nhà máy cho Foxconn phần nhiều do vấn đề thị trường, chứ không phải là do môi trường đầu tư Việt Nam có vấn đề, thì cũng tạo nên một nốt trầm trong “bản giao hưởng” FDI từ Mỹ vào Việt Nam.
Một nốt trầm khác, đó là bất chấp rất nhiều kỳ vọng được đặt ra sau các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các đối tác được ký kết, trong đó có TPP, vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam chưa có sự cải thiện rõ rệt. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 tháng đầu năm nay, mới có 30,5 triệu USD vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam. Vì thế, Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ 17 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam những tháng đầu năm nay, đồng thời tụt xuống vị trí thứ 8 thay vì thứ 7 trong danh sách này, nếu tính lũy kế. Tính tới thời điểm này, các nhà đầu tư Mỹ đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 11,7 tỷ USD.
Dù đúng là có những nốt trầm, song những nốt trầm này có lẽ chưa đủ để giảm “cao độ và trường độ” của “bản giao hưởng” FDI từ Mỹ vào Việt Nam, cùng kỳ vọng tăng tốc của dòng vốn này.
Cũng ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chính phủ Việt Nam đã ký quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam, một cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động không vì lợi nhuận.
Thực tế, từ tháng 7/2015, nhân chuyến thăm chính thức nước Mỹ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Đại học Fulbright Việt Nam tại New York. Khi ấy, Tổng Bí thư đã bày tỏ sự tán thành trước quan điểm của phía Mỹ cho rằng, phát triển trường đại học này là vì con người, vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo. “Nếu làm tốt dự án này, chúng ta góp phần tăng cường khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Và cũng ngay trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama ít ngày, nhóm các nhà đầu tư của Mỹ và Việt Nam, bao gồm Steelman Partners, Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của đại gia Jonathan Hạnh Nguyễn, đã đề xuất một dự án phức hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD.
Cũng cách đây không lâu, một thông tin gây xôn xao dư luận, đó là Apple - thương hiệu khiến bất cứ quốc gia nào cũng thèm muốn các khoản đầu tư của họ - đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào thị trường Việt Nam. Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song giới chuyên gia cho rằng, một khi Apple thực sự đầu tư vào Việt Nam, thì sẽ giống như khoản đầu tư của Intel trước kia, thông điệp về một địa điểm đầu tư rất hấp dẫn tiếp tục được gửi đi. Đây sẽ là cú hích quan trọng để giới đầu tư toàn cầu hướng về Việt Nam.
Trong khi đó, chủ đầu tư Dự án Hồ Tràm Strip (vốn đầu tư 4,2 tỷ USD), cũng vừa có quyết định quan trọng. Đó là đã mở văn phòng tại Hà Nội sau 3 năm đưa dự án đi vào hoạt động tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Không phải vì Tổng thống Mỹ đến thăm chính thức Việt Nam, chúng tôi mới mở văn phòng tại Hà Nội, nhưng cũng có liên quan phần nào vì điều đó thể hiện mối quan hệ tốt đẹp mà Việt Nam và Mỹ đang có. Kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, do đó chuyến thăm của Tổng thống Mỹ lần này là bước tiến lớn trong quan hệ thương mại hai nước. Sự kiện này càng củng cố thêm niềm tin về quan hệ hợp tác có lợi cho hai quốc gia”, tỷ phú Philip Falcone, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Quỹ đầu tư Harbinger Capital (Mỹ) - quỹ đầu tư hiện tham gia đầu tư vào Dự án Hồ Tràm Strip đã nói như vậy.
Gần 10 năm trước, khi tỷ phú Philip Falcone bắt đầu đầu tư vào Hồ Tràm Strip - dự án đầu tiên tại Việt Nam, ông đã có niềm tin rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất, thu hút các nguồn đầu tư quốc tế. Giờ đây, ông vẫn giữ vững lạc quan và tin tưởng vào tương lai Việt Nam như 10 năm trước. “Vì thế, tôi sẵn sàng theo đuổi mục tiêu đầu tư ở đây đến cùng”, tỷ phú Philip Falcone nói và cho biết, ông được đánh giá như một nhà đầu tư có tầm nhìn và đã luôn xem Việt Nam là quốc gia đầy tiềm năng thực sự.
Có thể, các khoản đầu tư có những lúc thăng, lúc trầm. Chính tỷ phú Philip Falcone cũng đã thừa nhận như vậy. Nhưng về dài hạn, dòng vốn đầu tư từ Mỹ thực sự có tiềm năng.
“Tôi tin Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam trong tương lai gần”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã nhấn mạnh như vậy. Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì khẳng định, Việt Nam và Mỹ đang có những cơ hội to lớn để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.
Khi Tổng thống Barack Obama sang thăm Việt Nam, chắc chắn sẽ có những thỏa thuận hợp tác được ký kết. Đó là nền tảng để có thêm những nốt thăng trong “bản giao hưởng” FDI từ Mỹ.