Bị cáo Nguyễn Quốc Đạt (đứng giữa) trước tòa |
Tài sản 6 tỷ cho vay gần 100 tỷ đồng
Theo cáo trạng, hai doanh nghiệp là Công ty Lưỡng Thổ và Công ty Hồng Trang đã sử dụng hợp đồng mua bán thép với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên để đưa vào hồ sơ vay vốn tại hai ngân hàng thông qua các hợp đồng tín dụng và thư bảo lãnh thanh toán.
Tuy nhiên, sau đó hai doanh nghiệp này đã không trả nợ đúng hạn. Quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện hai doanh nghiệp này đã bán hàng, thu tiền, nhưng không trả nợ ngân hàng, mà chiếm đoạt. Vợ chồng bị cáo Nguyễn Quốc Đạt, Nguyễn Thị Hồng Nhung nại ra việc dùng tiền bán thép để trả nợ ngoài xã hội nhưng không xác định được trả tiền cho ai.
Đáng chú ý về giải quyết dân sự trong vụ án này, cơ quan điều tra đã xác minh một số tài sản bảo đảm mà hai doanh nghiệp nói trên đã thế chấp cho ngân hàng. Kết quả điều tra cho thấy, tài sản bảo đảm cho các khoản vay gần 100 tỷ đồng của Công ty Hồng Trang tại Ngân hàng V chỉ có giá trị khoảng 6 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng B, Công ty Hồng Trang đã vay 65 tỷ đồng và được bảo lãnh 50 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm được định giá 62,3 tỷ đồng. Hiện dư nợ của Công ty Hồng Trang là 61,2 tỷ đồng chưa kể lãi và 50 tỷ đồng theo hợp đồng bảo lãnh.
Công ty Lưỡng Thổ có dư nợ bảo lãnh thanh toán 75 tỷ đồng tại Ngân hàng B. Tài sản bảo đảm được định giá 34,3 tỷ đồng bao gồm 2 thửa đất, 1 sổ tiết kiệm 17 tỷ đồng. Ngân hàng B đã giải chấp sổ tiết kiệm này để thu nợ. Nguyễn Thị Hồng Nhung trực tiếp trả cho Ngân hàng hơn 6 tỷ đồng.
Đến tháng 10/2011, Ngân hàng B và Công ty Lưỡng Thổ đã thanh toán cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - Chi nhánh Hà Nội số tiền 23,6 tỷ đồng. Hiện Công ty Lưỡng Thổ còn dư nợ 78 tỷ đồng tại Ngân hàng B.
Quá trình giải quyết nợ nần với Ngân hàng B, Nguyễn Quốc Đạt đã lập bản cam kết bổ sung tài sản bảo đảm có 84.000 m2 đất của Công ty Hồng Trang hiện đang thi công xây dựng Nhà máy Gạch có công suất 3 triệu viên/năm tại huyện Phổ Yên, Thái Nguyên.
Trong phương án tái cơ cấu Công ty Hồng Trang do Nguyễn Quốc Đạt lập, giá trị nhà máy này là 120 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã kê biên tài sản này. Tháng 12/2016, Ngân hàng B có công văn gửi cơ quan điều tra xác định nhà máy này được định giá là 103 tỷ đồng. Hiện Ngân hàng B đang quản lý tài sản này.
Được biết, Nguyễn Quốc Đạt và Nguyễn Thị Hồng Nhung đã đồng ý để cả hai ngân hàng phát mại các tài sản thế chấp theo hợp đồng để thu hồi nợ. Tuy nhiên, trong vụ án này, Nhà máy Gạch ở Thái Nguyên là tài sản có giá trị lớn. Vấn đề xử lý tài sản này ra sao là yếu tố quan trọng quyết định vấn đề thu hồi nợ của hai ngân hàng nói trên. Theo tài liệu truy tố của Viện Kiểm sát, Nguyễn Quốc Đạt đã bổ sung tài sản này cho khoản nợ tại Ngân hàng B.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Đạt không đồng ý để ngân hàng xử lý Nhà máy Gạch vì cho rằng đây là tài sản của pháp nhân (Công ty Hồng Trang), không phải tài sản của cá nhân bị cáo này. Do đó, bị cáo này không thể đồng ý để ngân hàng xử lý tài sản này. Bị cáo Đạt đề nghị trả tài sản cho Công ty Hồng Trang để Công ty Hồng Trang xử lý trả nợ.
Gần 10 năm tù cho 2 vợ chồng
Như vậy, có đủ căn cứ xác định bị cáo Đạt có hành vi sử dụng trái phép tài sản. Tòa quyết định chuyển tội danh bị cáo Đạt, Nhung từ tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản sang tội Sử dụng trái phép tài sản. Đồng thời tuyên phạt bị cáo Đạt 4 năm 6 tháng tù, bị cáo Nhung 4 năm 1 tháng 7 ngày tù, xác nhận bị cáo chấp hành xong.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Đạt có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng V 99 tỷ đồng, ghi nhận các bị cáo đồng ý cho ngân hàng phát mại tài sản bảo đảm.
Ngân hàng B đồng ý thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Gang thép Thái Nguyên khoản tiền 51 tỷ đồng của Công ty Lưỡng Thổ và 50 tỷ đồng của Công ty Hồng Trang. Những khoản nợ, bảo lãnh phát sinh, Ngân hàng B có quyền khởi kiện theo trình tự dân sự.
Bị cáo Nhung thừa nhận chịu trách nhiệm cá nhân khoản nợ 21,8 tỷ đồng cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Về vấn đề tranh chấp Nhà máy Gạch, cả hai ngân hàng và bị cáo đều có yêu cầu giải quyết bằng vụ án dân sự.