![]() |
Doanh nghiệp cần thúc đẩy dịch chuyển sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, sạch, bền vững, tận dụng tốt các cơ hội để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Ảnh: Lê Tiên |
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có giải pháp chủ động để ứng phó với những biến động bên ngoài, kịp thời nắm bắt thời cơ để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, góp sức cho tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025.
Xuất khẩu đối mặt với thách thức
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đầu tư công, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, XK là một động lực quan trọng tạo nên tăng trưởng GDP hàng năm. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, XK hàng hóa có thể đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là từ các chính sách bảo hộ thương mại và chính sách thuế của Hoa Kỳ, một trong những thị trường XK quan trọng của nước ta. Ngoài ra, nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu do các biện pháp trả đũa lẫn nhau về thuế quan giữa các nền kinh tế lớn cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động XK.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, căng thẳng thương mại xảy ra giữa các nước lớn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Các biện pháp thuế quan và trừng phạt qua lại giữa những nền kinh tế lớn nếu tiếp tục leo thang sẽ ảnh hưởng tới hoạt động XK của doanh nghiệp (DN) nước ta.
Đồng quan điểm, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại thuộc Bộ Công Thương phân tích: “Căng thẳng thương mại leo thang sẽ khiến lưu thông hàng hóa trên thế giới chậm lại, thậm chí có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực”. Việt Nam, với vị thế đứng thứ 20 thế giới về xuất khẩu, sẽ chịu ảnh hưởng do nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đã trở thành một khâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo TS. Phương, một điểm đáng lưu ý khác là chính quyền Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump có xu hướng sử dụng thuế suất như một công cụ “mặc cả” trong quan hệ thương mại với các quốc gia khác. Bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể phải chịu áp lực này. Việt Nam không phải ngoại lệ.
“Hoa Kỳ hiện là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch XK hàng hóa. Năm 2024, hàng hóa Việt Nam xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ đạt gần 105 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico. Do thặng dư thương mại lớn, Việt Nam từng bị Hoa Kỳ điều tra thao túng tiền tệ và nguy cơ này vẫn có thể lặp lại”, ông Phương cảnh báo.
![]() |
Tháng 1/2025, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 9,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 11,6 tỷ USD. Ảnh: Tiên Giang |
Tăng cường năng lực nội sinh, linh hoạt ứng phó
Thách thức tăng trưởng XK năm 2025 là rất lớn, song nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn có cơ hội thúc đẩy XK hàng hóa Việt Nam. Lý do là khi căng thẳng thương mại Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang, dòng FDI sẽ dịch chuyển và Việt Nam là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn nhờ lợi thế địa chính trị cũng như môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn... “Thực tế, thời gian qua, nhiều DN Hoa Kỳ dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã lựa chọn Việt Nam là điểm dừng chân. Thậm chí, DN Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư tại Việt Nam”, ông Lê Quốc Phương nhận định và cho rằng, nếu tiếp tục thu hút được các DN FDI, nhất là các DN công nghệ cao của Hoa Kỳ đầu tư mạnh hơn vào thị trường Việt Nam, thì vị thế xuất khẩu của nước ta sẽ tiếp tục vững tiến.
Theo TS. Võ Trí Thành, ở cấp độ quốc gia, trong một thế giới bất định, Việt Nam phải “khéo léo” ứng xử để giảm thiểu bất lợi đối với hoạt động XK bằng việc không ngừng đa dạng hóa thị trường, khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực nội sinh cho nền kinh tế thông qua việc tiếp tục hỗ trợ tốt hơn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa XK…
Về phía DN, các chuyên gia cho rằng, cần nhận diện sớm rủi ro, thách thức từ bên ngoài để có giải pháp quản trị chủ động, hiệu quả. Bên cạnh đó, DN cần thúc đẩy dịch chuyển sản xuất kinh doanh theo hướng xanh, sạch, bền vững… để bám sát, bám chắc nhu cầu của thị trường toàn cầu, tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy bán hàng Việt Nam ra thế giới.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng 12% so với năm 2024, tức khoảng 451 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước là 131 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 320 tỷ USD. Trong mục tiêu chung, nhiều ngành, hàng cũng đặt mục tiêu cụ thể cho năm 2025, ví dụ, ngành dệt may phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 48 tỷ USD; rau quả phấn đấu đạt 8 tỷ USD; hàng điện tử hướng tới 140 tỷ USD trở lên; ngành da giầy phấn đấu 29 tỷ USD…
Tại phiên họp Chính phủ ngày 5/2, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần theo dõi sát diễn biến thị trường, tiến hành phân tích kỹ lưỡng để có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực từ những biến động của thương mại thế giới, trong đó có việc tận dụng hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã ký kết, đẩy mạnh khai thác các FTA mới; giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu…