Chủ động ứng phó, biến nguy thành cơ cho doanh nghiệp từ cú sốc thuế đối ứng Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội trường VCCI với hơn 300 người tham dự Hội thảo Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam sáng 18/4 cho thấy sức nóng và tác động lớn của cơn địa chấn từ phía bờ Tây lên cộng đồng doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật và đánh giá mức ảnh hưởng những sắc thuế cũng như chính sách phi thuế, từ đó tìm ra giải pháp ứng phó phù hợp.
Chủ động ứng phó, biến nguy thành cơ cho doanh nghiệp từ cú sốc thuế đối ứng Hoa Kỳ

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức ký và công bố Sắc lệnh áp thuế thuế đối ứng (reciprocal tariff) đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.

Về mức thuế đối ứng, theo Sắc lệnh được công bố, Hoa Kỳ dự kiến sẽ áp các mức thuế đối ứng với tính chất là một loại thuế bổ sung bên cạnh các loại thuế, phí và khoản thu khác mà Hoa Kỳ hiện đang áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.

Cụ thể, áp thuế đối ứng ở mức 10% cho tất cả hàng hóa (ngoại trừ các trường hợp miễn trừ được nêu tại Phần 2) nhập khẩu từ tất cả các đối tác thương mại kể từ ngày 5/4/2025. Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với các mức thuế suất riêng cao hơn cho tất cả hàng hóa (ngoại trừ các trường hợp miễn trừ được nêu tại Phần 2) nhập khẩu từ 57 đối tác như trong Bảng dưới đây kể từ ngày 9/4/2025. Các nước khác (không phải là một trong 57 đối tác này) vẫn sẽ tiếp tục chịu mức thuế đối ứng 10%.

Mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ áp dụng riêng với một số đối tác (cập nhật đến ngày 15/4/2025)

STT

Đối tác

Mức thuế đối ứng

1

Trung Quốc

125%

2

Lesotho

50%

3

Campuchia

49%

4

Lào

48%

5

Madagascar

47%

6

Việt Nam

46%

7

Myanmar (Burma)

45%

8

Sri Lanka

44%

9

Falkland Islands

42%

10

Syria

41%

11

Mauritius

40%

12

Iraq

39%

13

Botswana

38%

14

Guyana

38%

15

Serbia

38%

16

Bangladesh

37%

17

Liechtenstein

37%

18

Thái Lan

37%

19

Bosnia - Herzegovina

36%

20

Bắc Macedonia

33%

21

Angola

32%

22

Fiji

32%

23

Indonesia

32%

24

Thụy Sĩ

32%

25

Đài Loan

32%

26

Libya

31%

27

Moldova

31%

28

Nam Phi

31%

29

Algeria

30%

30

Nauru

30%

31

Pakistan

30%

32

Tunisia

28%

33

Ấn Độ

27%

34

Kazakhstan

27%

35

Hàn Quốc

26%

36

Brunei

24%

37

Nhật Bản

24%

38

Malaysia

24%

39

Vanuatu

23%

40

Bờ biển Ngà

21%

41

Namibia

21%

42

Liên minh châu Âu (EU)

20%

43

Jordan

20%

44

Nicaragua

19%

45

Malawi

18%

46

Philippines

18%

47

Zimbabwe

18%

48

Israel

17%

49

Zambia

17%

50

Mozambique

16%

51

Na Uy

16%

52

Venezuela

15%

53

Nigeria

14%

54

Chad

13%

55

Guinea Xích đạo

13%

56

Cameroon

12%

57

Congo

11%

Nguồn: Phụ lục I Sắc lệnh thuế đối ứng ngày 2/4/2025

Ngày 9/4/2025, ông Trump thông báo tạm hoãn áp dụng các mức thuế đối ứng riêng cho các nước đối tác (trừ Trung Quốc) trong 90 ngày. 56 đối tác còn lại sẽ vẫn chịu mức thuế đối ứng 10% trong giai đoạn này.

Theo Sắc lệnh ngày 2/4/2025, thuế đối ứng sẽ được Hoa Kỳ áp dụng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này.

Một số trường hợp được loại trừ như: Hàng hóa được liệt kê cụ thể trong Phụ lục II của Sắc lệnh áp thuế, với tổng cộng 1.039 dòng thuế (được liệt kê chi tiết đến HS 8 chữ số theo Biểu thuế quan hài hòa của Hoa Kỳ - HTSUS), bao gồm: một số loại dược phẩm, chất bán dẫn, đồng, gỗ nguyên liệu, khoáng sản quan trọng, sản phẩm năng lượng... Danh mục các sản phẩm được miễn trừ thuế đối ứng theo Phụ lục II Sắc lệnh thuế đối ứng ngày 2/4/2025 được đính kèm theo tài liệu này như: Nhôm thép, sản phẩm phái sinh từ nhôm thép và ô tô, phụ tùng ô tô - các sản phẩm đã chịu mức thuế bổ sung 25% theo Sắc lệnh thuế ngày 10/2/2025 và 26/3/2025 của Tổng thống Hoa Kỳ. Tất cả hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 50 USC 1702(b), bao gồm các sản phẩm có liên quan đến an ninh quốc gia. Hàng hóa từ Cuba, Bắc Triều Tiên, Nga và Belarus phải chịu mức thuế nêu tại Cột 2 theo Biểu HTSUS.

Ngày 13/4/2025, Hoa Kỳ thông báo điện thoại thông minh, máy tính và một số thiết bị điện tử khác sẽ không phải chịu thuế đối ứng, thay vào đó là các mức thuế riêng, dự kiến sẽ được áp dụng trong khoảng 1 - 2 tháng tới.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ (như đồ nội thất, giày dép, hàng dệt may, thủy sản…) không nằm trong danh sách được miễn trừ thuế đối ứng. Do đó, các ngành này dự kiến sẽ phải chịu tác động đáng kể từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Mặc dù thời điểm áp thuế đang được trì hoãn nhưng ngay lập tức đã tác động tức thì lên cộng đồng doanh nghiệp. Để minh chứng thực tế, ông Tuấn dẫn số liệu, trong vòng 3 ngày sau Sắc lệnh thuế đối ứng của Hoa Kỳ (5 - 8/4/2025), Bình Dương có 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy; 273 đơn hàng bị khách hàng Hòa Kỳ thông báo hủy hoặc tạm dừng.

Nhận diện những tác động trực tiếp lên doanh nghiệp Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, 29,5% ngành hàng chịu ảnh hưởng, trong đó nhiều ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm trên 40% (gỗ và sản phẩm gỗ; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng dệt, may; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác...). Tác động đặc biệt lớn là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đi Hoa Kỳ về cạnh tranh, thị phần, chuỗi cung ứng...; các doanh nghiệp tham gia chuỗi xuất khẩu hàng hóa đi Hoa Kỳ (cung ứng nguyên phụ liệu, tham gia phối hợp sản xuất như gia công, đóng gói...; dịch vụ hỗ trợ như hậu cần, tài chính, logistics...).

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cảnh báo, doanh nghiệp Việt Nam còn có nguy cơ bị điều tra xuất xứ hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam để lẩn tránh thuế...

"Mặc dù Hoa Kỳ tạm hoãn do áp lực trong và ngoài nước, nhưng nguy cơ áp thuế vẫn còn. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, điều tối kỵ nhất trong kinh doanh là sự bất ổn chính sách. Tuy vậy, đây không phải là lần đầu tiên mà Việt Nam chịu cú shock lớn từ bên ngoài và thực tế sau đó nền kinh tế đã vươn lên mạnh mẽ, nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức, bứt phá phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cập nhật các sắc thuế nhanh nhất có thể, đánh giá mức độ ảnh hưởng và đồng hành cùng Đảng và Chính phủ hiến kế, giải pháp để vượt qua cho từng doanh nghiệp, từng ngành hàng và quốc gia. VCCI mong muốn lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời đề xuất với Chính phủ những giải pháp ứng phó", ông Công nhấn mạnh.

Ông Công cho biết, thời gian qua, VCCI đã có nhiều hoạt động phản ứng chính sách ngay sau khi có Sắc lệnh như các cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ, kết nối Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, thành lập các liên minh doanh nghiệp trong và ngoài nước để vận động chính sách với chính giới Hoa Kỳ...

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tập trung thảo luận về những giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, tập trung thúc đẩy phát triển thị trường nội địa là trụ đỡ với 100 triệu dân, đẩy mạnh cải cách thể chế để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững...

Tin cùng chuyên mục