Chủ động ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thực hiện quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) là biện pháp kỹ thuật để bảo đảm quyền thu thuế của nước sở hữu vốn. Việt Nam ủng hộ và tham gia một cách thiết thực, hiệu quả quy tắc thuế TTTC, đồng thời sẽ nghiên cứu giải pháp để thích ứng với xu hướng mới, bảo đảm tính cạnh tranh, hấp dẫn trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cần có những hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới để duy trì lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Huyền Trang
Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, cần có những hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới để duy trì lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Huyền Trang

Doanh nghiệp chờ đợi giải pháp cụ thể

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam chia sẻ, DN châu Âu xác định việc áp dụng thuế TTTC là cuộc chơi toàn cầu, phải tuân theo. Điều mà DN quan tâm nhất là năm sau nhiều nước trên thế giới sẽ thay đổi chính sách, thì Việt Nam có thay đổi hay không, thay đổi như thế nào để chủ động kế hoạch.

Theo ông Nguyễn Hải Minh, Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Theo khảo sát gần đây nhất của EuroCham về chỉ số môi trường kinh doanh, đa số DN châu Âu hài lòng với chính sách thu hút đầu tư. Những vấn đề nhiều DN đề xuất cải thiện nhất là thủ tục hành chính, chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực và cuối cùng là chính sách thuế.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cũng cho biết, với Việt Nam, mức thuế suất ưu đãi hiện nay là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và nhiều DN Nhật đang hưởng chính sách này. Nhà đầu tư cũng xác định triển khai áp dụng thuế TTTC là xu hướng chung, sẽ có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN. Để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, Chính phủ cần có hình thức khác bổ sung hỗ trợ.

Tuy nhiên, ông Nakajima Takeo cũng chia sẻ, DN Nhật quan tâm thuế suất cao hay thấp, nhưng không phải yếu tố quyết định đầu tư. Qua khảo sát, nhiều DN cho biết yếu tố quyết định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam đầu tiên là tiềm năng tăng trưởng, khả năng phát triển và thứ hai là quy mô của thị trường. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi rất tốt nhưng vấn đề là vận dụng, thực hiện các thủ tục về thuế như thế nào để nhanh chóng, thuận lợi trong áp dụng ưu đãi cũng quan trọng không kém.

Cũng theo ông Nakajima Takeo, DN nhỏ và vừa của Nhật Bản sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam. JETRO hy vọng Chính phủ tiếp tục duy trì ưu đãi với khu vực DN có quy mô dưới ngưỡng áp dụng thuế TTTC.

Các tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam như Samsung, Canon, Foxcom cho biết, việc áp dụng thuế TTTC sẽ tác động trực tiếp đến sức cạnh tranh của DN. DN rất quan tâm đến các giải pháp cụ thể khi áp dụng thuế TTTC của Chính phủ Việt Nam để quyết định các kế hoạch đầu tư, trong đó đặc biệt quan tâm chính sách bất hồi tố.

“DN cũng chờ đợi giải pháp ưu đãi thay thế, đặc biệt là cải thiện thủ tục hành chính, ví dụ thủ tục đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy. Có những DN phải kéo dài 2 năm không được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch, hiệu quả đầu tư”, đại diện Foxconn chia sẻ và cho rằng những cải thiện về thủ tục hành chính, chất lượng hạ tầng để giảm chi phí logistics… sẽ bù đắp cho việc áp dụng thuế TTTC.

Việc triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tường Lâm

Việc triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tường Lâm

Giải pháp hài hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư

Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư. Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khi chính thức áp dụng thuế TTTC, các ưu đãi về thuế thu nhập DN sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, đòi hỏi có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả để nội luật hóa quy tắc, ban hành các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới. Trong đó, theo ông Sử, nếu không bảo đảm chính sách bất hồi tố và ổn định chính sách thì niềm tin mà Chính phủ kỳ công gây dựng sẽ lung lay.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nhiều nước trên thế giới đã có các phản ứng chính sách. Trong đó, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam, dự kiến xây dựng gói pháp lý chính sách gồm ưu đãi thuế nội địa, mức thuế tối thiểu trong nước và các quy định hỗ trợ đầu tư như hỗ trợ chi phí phát triển kết cấu hạ tầng, trợ giá điện trong năm 2023.

Chia sẻ quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư không phải là yếu tố quyết định để thu hút đầu tư, nhưng là công cụ quan trọng bổ trợ cho các lợi thế tĩnh của Việt Nam, Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Chính phủ nhận thức rõ cần phải hành động nhanh chóng, có giải pháp ứng phó kịp thời vì thời gian áp dụng đã rất gần. Các giải pháp chính sách đưa ra cần hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư; phù hợp với các cam kết của quốc tế, quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và điều kiện thực tiễn của quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, nguyên tắc cốt lõi của Luật Đầu tư qua các thời kỳ là bảo đảm để nhà đầu tư yên tâm hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng tham gia có trách nhiệm, tuân thủ các điều ước quốc tế. Quy tắc thuế TTTC là biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền thu thuế của nước sở hữu vốn. Việc thu thuế sẽ tăng thêm nguồn lực để Việt Nam tái đầu tư phát triển hạ tầng, tăng chất lượng nguồn nhân lực, từ đó giúp DN đầu tư nước ngoài nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, tổng chi phí nhà đầu tư bỏ ra tại Việt Nam như thế nào rất quan trọng, không chỉ là thuế thu nhập DN. Trong thời gian qua, Chính phủ đã có bước tiến quan trọng để giảm thiểu chi phí tuân thủ của DN như áp dụng công nghệ số, nộp hồ sơ online, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thuế, hải quan. Đối với trình tự thủ tục đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, cơ quan Chính phủ đã nắm bắt và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này ngay tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 vừa được tổ chức. “Việc thực hiện thuế TTTC là khó khăn, thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận thông lệ tốt trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định.

Tin cùng chuyên mục