Sẽ tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, bền vững. Ảnh: Lê Tiên |
Bức tranh nhiều gam màu sáng
Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” diễn ra ngày 15/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu: Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam đang được nâng lên một tầm cao mới. Trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới, vị trí của Việt Nam về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo... được cải thiện đáng kể.
Hàng loạt chỉ tiêu kinh tế đạt được trong 4 tháng đầu năm 2018 cũng cho thấy một bức tranh khá sáng sủa, tiếp nối đà phát triển của năm 2017 như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38%, là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây; kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát; giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD...
Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)..., Việt Nam đang cam kết mạnh mẽ về việc mở cửa thị trường, xóa bỏ các rào cản đầu tư, thương mại. Không chỉ mong muốn chinh phục thị trường trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài còn đặt nhiều kỳ vọng tiếp cận với các thị trường rộng lớn hơn. Kể cả đối với Mỹ - chưa phải là thành viên của CPTPP, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ quay trở lại bàn đàm phán để tham gia CPTPP, bởi vì “không đầu tư vào Việt Nam thì đó là thiệt thòi của các nhà đầu tư Mỹ”.
Không những vậy, việc tham gia các FTA còn tạo một áp lực lớn cho Việt Nam trong việc cải cách mạnh mẽ và toàn diện nền kinh tế. Quá trình cải cách đó phù hợp với chủ trương, chính sách mà Việt Nam đang tiến hành, do đó tạo thuận lợi cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh đã và đang được xây dựng trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công...
Phải có cách tiếp cận mới để đón sóng FDI
Nói về DN FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải làm sao để thúc đẩy liên kết giữa khu vực FDI và DN trong nước để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nền kinh tế. DN của Việt Nam phải được nâng lên ngang tầm với các DN nước ngoài thì mới có thể liên kết được với nhau; làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước tiến nhanh hơn, bắt kịp với khu vực FDI.
Để tận dụng cơ hội, đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới sắp “đổ bộ” vào Việt Nam, cũng như thúc đẩy liên kết, thu hẹp khoảng cách giữa DN FDI và DN trong nước, theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, từ nguồn lực đất đai, chất lượng nguồn nhân lực...; lồng ghép các hiệp định vào chương trình phát triển, kế hoạch hành động thực thi cam kết... Nâng cao năng suất lao động được coi là nhân tố cốt lõi, quan trọng nhất nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, đặc biệt là yêu cầu tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xây dựng hàng rào kỹ thuật hợp lý để chủ động lựa chọn FDI theo hướng chất lượng, mang lại giá trị cao.
Chia sẻ quan điểm này, theo GS.TS Nguyễn Mại, trong bối cảnh thế giới thay đổi, dòng vốn FDI thay đổi..., Chính phủ cần có định hướng mới về thu hút FDI, trong đó tập trung thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, bền vững; hướng tới ngành công nghiệp tương lai về trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...
Là người có nhiều kinh nghiệm làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH KPMG Việt Nam cho rằng, không nên chỉ chú trọng thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, hệ thống phân phối..., việc thu hút cả những nhà đầu tư nhỏ và vừa có chất lượng cũng rất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam phát triển. Điều các nhà đầu tư cần nhất là cơ chế chính sách thông suốt và giữ ổn định trong thời gian dài.