Chứng khoán ngày 9/7: Dòng tiền yếu tạo lực cản thị trường tăng điểm

Dòng tiền yếu chính là lực cản khiến thị trường không duy trì được đà tăng trong phiên chiều.
Chứng khoán ngày 9/7: Dòng tiền yếu tạo lực cản thị trường tăng điểm. Ảnh: TTXVN
Chứng khoán ngày 9/7: Dòng tiền yếu tạo lực cản thị trường tăng điểm. Ảnh: TTXVN

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua ngày giao dịch giằng co mạnh và rung lắc mạnh. VN - Index bật tăng mạnh mẽ trong phiên sáng, có thời điểm đạt tới mốc 929,5 điểm nhờ vào sự bứt phá các cổ phiếu lớn, đặc biệt là các mã thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng. 

Tuy nhiên, dòng tiền yếu chính là lực cản khiến thị trường không duy trì được đà tăng trong phiên chiều. 

Kết thúc phiên giao dịch chiều 9/7, VN - Index đã đảo chiều giảm 2,39 điểm xuống 915,12 điểm. Khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 118,6 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị giao dịch đạt ở mức rất thấp, hơn 2.717,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 131 mã tăng giá, 58 mã đứng giá và 145 mã giảm giá. 

Chỉ số HNX- Index đến phiên chiều may mắn giữ được sắc xanh nhẹ với mức tăng 0,06 điểm lên 100,76 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 33,35 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 521,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 55 mã đứng giá và 71 mã giảm giá. 

Nhóm cổ phiếu VN30 (30 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường chứng khoán) có 14 mã tăng và 13 mã giảm giá. Tuy nhiên, chỉ số VN30 lại giảm tới 6,89 điểm. Nguyên nhân là các mã ở chiều tăng giá chỉ có mức tăng nhẹ, ngược lại các mã ở chiều giảm giá có mức giảm rất lớn. 

Cụ thể, ở chiều giảm giá có VJC giảm tới 2.400 đồng/cổ phiếu, VIC giảm 1.200 đồng/cổ phiếu, HPG giảm 1.100 đồng/cổ phiếu, MWG giảm 1.500 đồng/cổ phiếu, DHG giảm 4.900 đồng/cổ phiếu, BMP giảm 1.800 đồng/cổ phiếu, BVH giảm 800 đồng/cổ phiếu, FPT cũng giảm 900 đồng/cổ phiếu,… 

Ở chiều tăng giá có GAS, SAB, ROS, MSN, VNM,…; trong đó, tăng giá mạnh nhất là mã VNM cũng chỉ 1.000 đồng/cổ phiếu. 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đến phiên chiều có nhiều mã quay đầu giảm giá như VCB giảm tới 1.000 đồng/cổ phiếu, KLB giảm 900 đồng/cổ phiếu, BAB giảm 700 đồng/cổ phiếu, TCB giảm 300 đồng/cổ phiếu,… 

Trong khi đó, các mã ở chiều tăng giá chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ từ 50 đồng đến 300 đồng/ cổ phiếu như: VPB, TPB, MBB, LPB, HDB, EIB, CTG, BID và VCB. 

Nhóm cổ phiếu dầu khí biến động không lớn. Mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành dầu khí là PLX cũng chỉ có mức tăng 600 đồng/cổ phiếu, OIL, PVO, PVS chỉ tăng nhẹ 100 đồng/cổ phiếu. 

Ở chiều giảm giá có BSR và PVC giảm nhẹ 100 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản lớn nhất của nhóm dầu khí thuộc về PVS với mức khớp lệnh hơn 5,3 triệu đơn vị. Các mã cổ phiếu còn lại có mức thanh khoản rất thấp. 

Nhóm cổ phiếu chứng khoán thiếu tích cực với thanh khoản thấp và nhiều mã giảm khá sâu như: SSI giảm 800 đồng/cổ phiếu, HCM giảm 2.700 đồng/cổ phiếu, DSC giảm 4.300 đồng/cổ phiếu. Các mã MBS, CTS, BSI, VND,… cũng chìm trong sắc đỏ. 

Thị trường có lẽ còn giảm sâu hơn nữa nếu không có sự nâng đỡ của VHM. Phiên hôm nay VHM tăng 300 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, VRE cũng tăng 400 đồng/cổ phiếu. Hai cổ phiếu thuộc ngành bất động sản này này có tác dụng nâng đỡ thị trường rất tốt khi đây là các mã cổ phiếu có vốn hóa thị trường rất lớn. 

Tuy nhiên, các mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ngành bất động sản lại nhuộm đỏ. Cụ thể, ASM, DIG, DXG, FIT, HAG, HAR, HBC, HQC,… đều ở chiều giảm giá. 

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. Trên sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 6,33 triệu cổ phiếu, với giá trị bán ròng là 150,02 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng giá trị nhiều nhất các mã như: HPG hơn 39,53 tỷ đồng, VIC hơn 37,88 tỷ đồng, MSN gần 24 tỷ đồng. 

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 694.600 cổ phiếu, tương ứng với giá trị mua ròng đạt 10,71 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất PVS với hơn 16,6 tỷ đồng và bán ròng mạnh nhất VGC với hơn 6,6 tỷ đồng./.

Tin cùng chuyên mục