Chứng khoán thăng hoa, cơ hội cho doanh nghiệp gọi vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2021 chứng kiến kỷ lục về số lượng nhà đầu tư tham gia và thanh khoản giao dịch. Đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chống chọi với dịch bệnh Covid-19.
Trong tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE đạt khoảng 22.100 tỷ đồng/phiên. Ảnh: Nhã Chi
Trong tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE đạt khoảng 22.100 tỷ đồng/phiên. Ảnh: Nhã Chi

Những kỷ lục mới

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới xác lập kỷ lục trong tháng 5 với 114.107 tài khoản. 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có thêm 482.760 tài khoản mở mới, vượt số tài khoản mở mới của cả năm 2020 và gấp 2,5 lần số tài khoản mở mới trong năm 2019. Lũy kế đến cuối tháng 5/2021, Việt Nam có tổng cộng hơn 3,25 triệu tài khoản nhà đầu tư giao dịch chứng khoán.

Đi cùng với sự gia tăng số lượng nhà đầu tư, lượng tiền đổ vào thị trường cũng rất lớn. Đỉnh điểm, trong phiên giao dịch ngày 1/6, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) phải tạm dừng giao dịch phiên chiều do dòng tiền vào thị trường vượt mức 21.700 tỷ đồng ngay trong buổi sáng, dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngày 3/6 xác lập kỷ lục trên thị trường chứng khoán khi có tới 36.854 tỷ đồng đổ vào thị trường.

Với sự đổ bộ của nhiều "nhà đầu tư F0", chỉ riêng trong tháng 5, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE đạt khoảng 22.100 tỷ đồng/phiên.

Ông Phan Khánh Linh, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam nhận định, trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, một phần tiền gửi sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán… nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Thị trường bất động sản sau một thời gian sôi động đầu năm giờ cũng trầm lắng hơn, vì thế chứng khoán hiện được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Thanh khoản tăng cao là cơ hội rất lớn để các công ty đang niêm yết huy động vốn trên thị trường. Đặc biệt, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh là một trong những vấn đề quan trọng có tính chất sống còn đối với DN hiện nay.

Doanh nghiệp ồ ạt tăng vốn

Theo dữ liệu của Fiinpro, trong quý đầu năm 2021, có 43 DN đã huy động gần 19.800 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 1,1 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương gần 70% giá trị phát hành của cả năm 2020.

Mới đây, nhiều DN cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phần. Đơn cử, ngày 19/5, HĐQT Công ty CP Camimex Group (mã chứng khoán: CMX) đã thông qua phương án chào bán hơn 30 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp (thấp hơn khoảng 4.000 đồng so với giá cổ phiếu CMX trên thị trường). Công ty dự kiến thu về hơn 304 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản nợ (199 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (105 tỷ đồng).

Công ty CP Tập đoàn FLC đang xúc tiến kế hoạch phát hành 496 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên trên 12 ngàn tỷ đồng. Với số tiền dự kiến gần 5.000 tỷ đồng thu về sau khi phát hành thêm cổ phiếu, FLC lên kế hoạch đầu tư vào 8 dự án bất động sản (4.500 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (gần 470 tỷ đồng). Một số dự án tiêu biểu như Đô thị Cao Xanh - Hà Khánh (Quảng Ninh); Giai đoạn 2 quần thể FLC Quảng Bình; Dự án Nhà ở mật độ cao Hiệp Thành - Vĩnh Trạch…

Một số DN khác như Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex), Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia… cũng đang sẵn sàng phát hành cổ phần mới cho cổ đông hiện hữu hay bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư.

Việc DN phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong bối cảnh thị trường khởi sắc là tín hiệu tích cực. Bởi theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch Covid-19 thì gần 50% số DN thiếu hụt nguốn vốn và dòng tiền kinh doanh. Việc DN dựa quá nhiều vào vốn vay, trong đó chủ yếu vay qua các tổ chức tín dụng thay vì vốn chủ sở hữu khiến DN dễ dàng gặp rủi ro hơn liên quan đến nguồn vốn, dòng tiền kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục