Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế: Điều chỉnh để hướng tới tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, qua những tác động và thay đổi từ dịch bệnh, chúng ta nhận diện rõ hơn những khiếm khuyết trong hệ thống, hạn chế của nền kinh tế - xã hội và quan trọng hơn là cơ hội để điều chỉnh cho một tương lai mới. Việc xây dựng một chương trình phục hồi, phát triển kinh tế đúng, trúng, tổng thể, đồng bộ... là vô cùng cần thiết để giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội, vượt qua khó khăn, bứt phá nhanh hơn.
Một chương trình phục hồi và phát triển sẽ được xây dựng theo hướng nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Một chương trình phục hồi và phát triển sẽ được xây dựng theo hướng nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, qua dịch Covid-19 nhận thấy năng lực y tế công cộng, nhất là y tế cơ sở và dự phòng của Việt Nam rất yếu; năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý các tình huống có thể xảy ra của cán bộ các cấp còn hạn chế… Bên cạnh đó, sản xuất, chuỗi cung ứng, thị trường đầu vào, đầu ra đang phụ thuộc vào một số ít DN, thị trường và chủ yếu là nước ngoài; tự lực, tự chủ còn yếu. Do đó, khi thế giới có biến động, dễ bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức, khó khăn, nhưng cho chúng ta cơ hội nhận diện những điểm yếu để điều chỉnh trong tương lai. Việc xây dựng một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, những cuộc khủng hoảng lớn luôn kéo theo thay đổi lớn. Khủng hoảng từ Covid-19, mức tăng trưởng thấp năm 2021 sẽ có thể thúc đẩy tạo ra công cuộc đổi mới lần 2 cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Ông Jacques Morisset khuyến nghị, Chương trình phục hồi, phát triển nền kinh tế cần hướng đến những mục tiêu dài hạn mà Việt Nam đã đề ra, một nước có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao. Từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình dễ dàng hơn, nhưng từ trung bình thấp lên trung bình cao đòi hỏi tăng cường triển khai thực hiện gấp nhiều lần. Và cải thiện thể chế tốt hơn trong thời gian tới là rất then chốt để đạt được đà tăng trưởng cao.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp không đạt mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, nếu muốn giữ mục tiêu của kế hoạch 2021 - 2025 và chiến lược 2021 - 2030, thì tăng trưởng trung bình hàng năm giai đoạn 2022 - 2025 phải khoảng 7 - 7,5%. Đây là mục tiêu rất cao, nếu không có đột phá thực sự thì khó đạt được.

Vẫn theo ông Cung, so sánh với giai đoạn 1999 - 2011, dư địa chính sách của ta bây giờ tốt hơn rất nhiều. Đó là lạm phát thấp và ổn định; hệ thống tài chính tuy còn rủi ro, nhưng vững và tốt hơn rất nhiều; cán cân đối ngoại tốt hơn, dự trữ ngoại tệ cũng cao hơn 4 - 5 lần thời kỳ cách đây 10 năm… Thời điểm này cần chi mạnh hơn. Về tiền tệ không chỉ có lãi suất, mà có thể tăng cung tiền, tăng tín dụng, có gói tín dụng đặc biệt... Tài khóa dư địa còn rất nhiều, chấp nhận có thể tăng bội chi ngân sách.

Ông Nguyễn Đình Cung khuyến nghị chương trình phục hồi, phát triển kinh tế cần tiếp tục tổ chức sản xuất, cuộc sống xã hội và quản lý nhà nước an toàn, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; sinh kế và sinh mạng là hai mặt của một vấn đề, bổ sung, củng cố cho nhau, không tách rời nhau. Nhanh chóng phục hồi lại, củng cố vững chắc các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Sử dụng nguồn lực đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả. Có giải pháp cụ thể, khả thi và có thể thực hiện được ngay, nhanh trong thời hạn đã định.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 đang được Bộ KH&ĐT xây dựng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Chương trình sẽ đưa ra chính sách tổng thể, căn cơ, trọng tâm, trọng điểm. Vừa xử lý trước mắt vừa lâu dài, cơ hội cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp, đẩy mạnh hệ thống y tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ, bền vững bao trùm an toàn hơn; cơ hội để tham gia các xu hướng mới… Các chính sách mới cần thực hiện nhanh hơn, mở rộng thêm đối tượng doanh nghiệp yếu, vì chính sách trước đây chủ yếu là miễn, giảm thuế thì những doanh nghiệp yếu kém không thụ hưởng được, giữ lại một số doanh nghiệp có khả năng, tiềm năng quay trở lại. Đặc biệt, hướng đến đối tượng yếu thế, người nghèo, phát triển bao trùm, bền vững. Chương trình này phải trúng, đúng, thực thi được ngay, phát huy hiệu quả để nền kinh tế tận dụng được cơ hội này phục hồi nhanh.

Tin cùng chuyên mục