![]() |
Theo kết quả khảo sát PCI 2024, 33% số DN tư nhân dự định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Ảnh: Lê Tiên |
Thứ hạng môi trường kinh doanh qua PCI 2024
Sau 7 năm liên tiếp đứng trong Top 10 và 3 năm liên tiếp lọt Top 3 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất, Hải Phòng đã có bước tiến vượt bậc, vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2024 với 74,84 điểm. So với PCI 2023, Hải Phòng có 7/10 chỉ số tăng điểm.
Top 5 của Bảng xếp hạng PCI 2024 cũng gọi tên các địa phương nhiều năm liền giữ vị trí cao như: Quảng Ninh (73,20 điểm), Long An (72,64 điểm), Bắc Giang (71,24 điểm), Bà Rịa - Vũng Tàu (71,17 điểm)
Nhìn lại 2 thập kỷ thực hiện khảo sát PCI, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh liên tục có sự cải thiện qua các năm. Điểm số trung vị của PCI 2024 đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm trước và là năm thứ 8 liên tiếp vượt mốc 60 điểm - ngưỡng được xem là phản ánh môi trường kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt, chỉ số PCI gốc - chỉ số phản ánh chất lượng điều hành kinh tế cốt lõi - đạt 68,18 điểm, cải thiện liên tục kể từ năm 2016.
“Đây là kết quả của sự bền bỉ, kiên trì cải cách của nhiều địa phương và sự giám sát tích cực từ cộng đồng DN”, đại diện VCCI đánh giá.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, trong các chỉ số thành phần, chỉ số Minh bạch thông tin được nâng cao rõ rệt. DN đánh giá điểm tiếp cận tài liệu quy hoạch và pháp lý năm 2024 lần lượt đạt 3,11 và 3,23 điểm - mức cao nhất kể từ năm 2006. Tỷ lệ DN cho rằng “cần có mối quan hệ” để tiếp cận tài liệu của tỉnh chỉ còn 31%, giảm gần một nửa so với tỷ lệ 61% năm 2021.
Theo ông Tuấn, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn. Thời gian thực hiện đăng ký kinh doanh và điều chỉnh thông tin DN trung bình chỉ khoảng 7 ngày và 6 ngày, thấp hơn nhiều so với mức gần 1 tháng khi VCCI bắt đầu khảo sát cách đây 20 năm. Năm 2024, DN tiếp tục đánh giá cao chất lượng thủ tục đăng ký DN (93% cho rằng thủ tục minh bạch, 91% nhận được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ; 86% hài lòng về chuyên môn và thái độ của cán bộ tiếp nhận).
Nhìn chung, theo ông Đậu Anh Tuấn, PCI 2024 cho thấy DN đã lạc quan trở lại. Theo kết quả khảo sát, 33% số DN tư nhân được khảo sát dự định mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới, tăng so với con số 27% năm 2023. Với các DN FDI, tỷ lệ DN dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh là 37%, tăng mạnh so với mức 26% của năm trước đó, dù chưa trở lại mức trước đại dịch Covid-19 (khoảng 50%)…
Cần tiếp tục cải thiện hiệu quả thực thi
Mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng PCI 2024 cũng thể hiện mối lo ngại của cộng đồng DN về những khó khăn trong tiếp cận đất đai hay thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, chi phí tuân thủ pháp luật có chiều hướng gia tăng trở lại, sự suy giảm tính năng động của bộ máy chính quyền địa phương…
Cụ thể, chỉ có 77% số DN được khảo sát cho biết chính quyền tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, giảm từ con số 86% của năm 2021 - 2022 và 82% của năm 2023. Tỷ lệ DN không gặp khó khăn khi tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng giảm còn 33% năm 2024 (so với 55% năm 2021, 48% năm 2022 và 41% năm 2023); chỉ 51% DN hoàn tất thủ tục đất đai trong 2 năm qua không gặp vướng mắc (giảm so với tỷ lệ 59% năm 2023). PCI 2024 cho thấy có gần 37% số DN phải trả chi phí không chính thức, tăng so với mức 33% năm 2023. Tỷ lệ DN trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra lên đến 28% (năm 2023 là 16%)…
Theo khảo sát, có gần 50% số DN hài lòng với các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện. Điều này cho thấy đây là nhóm thủ tục còn nhiều dư địa để thúc đẩy tạo thuận lợi cho DN gia nhập thị trường.
“Thêm vào đó, DN tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức mới, đặc biệt là biến động kinh tế toàn cầu ngay từ đầu năm 2025 với chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ. Để vượt qua thách thức cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan nhà nước trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN để củng cố và tạo động lực thực chất cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, trở thành “đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, đại diện VCCI nhấn mạnh.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên
Một trong những sự thay đổi đáng ghi nhận của chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua là sự đồng hành trong cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ số, giúp rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí tuân thủ cho DN.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy rõ những khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa như tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn xanh… Tôi cho rằng, cần có sự đồng bộ trong cải cách thể chế, thống nhất trong điều hành, đồng thời phải có sự giám sát, đánh giá thường xuyên hiệu quả thực hiện để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
![]() |
Ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng
Để thực hiện tốt Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, những vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm cải thiện trong thời gian tới là nâng cao khả năng tiếp cận đất đai, các chi phí gia nhập thị trường và tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển. Khi sáp nhập đơn vị hành chính cùng Hải Dương, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các thế mạnh của 2 địa phương như dịch vụ cảng biển, logistics, khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ xanh…
![]() |
Ông Trương Văn Liếp - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Long An
Năm 2024, Long An tiếp tục duy trì vị trí Top 3 của cả nước về PCI. Chúng tôi cho rằng, PCI không phải là sự cạnh tranh giữa các địa phương, mà là thước đo để hoàn thiện chính mình, nâng cao chất lượng điều hành trong phát triển kinh tế. Nhờ nỗ lực cải thiện chỉ số này trong nhiều năm liền, chúng tôi đã tạo được sự chuyển biến cho các cấp sở, ngành, địa phương, từ nhận thức cho đến hành động. Từ đó, tạo nền móng để có thể duy trì thứ hạng cao về PCI. Đồng thời, chính quyền có nhiều giải pháp đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, đưa Long An vào Top 10 về thu hút FDI.![]() |
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10
Trải qua 2 thập kỷ đánh giá PCI, 63 tỉnh, thành phố đã có sự thay đổi rất lớn về môi trường đầu tư kinh doanh và mức độ hài lòng của DN cũng ngày càng cao. May 10 hiện có 18 nhà máy đầu tư ở nhiều địa phương trong 30 năm qua. Với việc triển khai cơ chế một cửa, việc đầu tư xây dựng nhà máy rất thuận lợi. Có thể nói, khung đánh giá chỉ số PCI đã lan tỏa đến các tỉnh, thành phố, tạo nên những thay đổi lớn, giúp môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn. Chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào chủ trương sắp xếp lại bộ máy hành chính sắp tới. Đối với DN, cứ bỏ qua được một khâu trung gian là tiết kiệm được thêm thời gian, chi phí và đặc biệt là vấn đề giải quyết thủ tục hành chính.