Chuyển biến tích cực trong đầu tư công

(BĐT) - Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 với nhiều điểm đổi mới, tạo ra những chuyển biến trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, việc thực thi, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công tại một số đơn vị vẫn còn những hạn chế, cần biện pháp xử lý cần thiết, nâng cao hiệu quả thực hiện nguồn vốn này.
Tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, đến hết tháng 4, các địa phương, đơn vị mới giao đạt 89,43% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên
Tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, đến hết tháng 4, các địa phương, đơn vị mới giao đạt 89,43% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên

Khung chính sách quản lý đầu tư công được cải thiện

Tại Báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5, 7 và 8 Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Bộ KH&ĐT đánh giá, khung chính sách quản lý đầu tư công được cải thiện, đồng bộ, nổi bật với việc ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 thay thế Luật Đầu tư công năm 2014; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công đã được ban hành. Kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được nâng cao, giảm tình trạng đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công 2019 với nhiều điểm đổi mới, tăng quyền chủ động cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc phân bổ, giao kế hoạch, triển khai thực hiện dự án. Việc triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 được thực hiện theo phương thức mới, khác so với các năm trước, chỉ giao một lần, trước ngày 30/11/2019. Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2020 theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới.

Bên cạnh đó, theo quy định mới về thủ tục đầu tư dự án, trong quá trình triển khai thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được chủ động điều chỉnh kế hoạch từ dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Bộ KH&ĐT cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 là 470.600 tỷ đồng. Căn cứ Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, cuối tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1706/QĐ-TTg giao toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tuy nhiên, đến hết tháng 4/2020, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đạt 89,43% kế hoạch đầu tư vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ KH&ĐT về việc chấp hành pháp luật trong đầu tư công cũng cho thấy việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn NSNN và trái phiếu chính phủ theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả. Hầu hết các dự án được triển khai thực hiện có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định... 

Hiệu quả đầu tư còn thấp so với yêu cầu của nền kinh tế

Bên cạnh những điểm tích cực, báo cáo đại biểu Quốc hội, Bộ KH&ĐT đánh giá chung giải ngân vốn đầu tư công từng bước được cải thiện nhưng tốc độ giải ngân còn chậm. Hiệu quả đầu tư công được cải thiện, song còn thấp so với yêu cầu của nền kinh tế cũng như trong tương quan cạnh tranh với các khu vực kinh tế khác.

Bộ KH&ĐT cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện một số hạn chế trong quản lý, sử dụng đầu tư công. Còn trường hợp phê duyệt chủ trương đầu tư khi dự án không phù hợp với quy hoạch hoặc không rõ nguồn vốn mà chỉ ghi chung chung là NSNN. Một số dự án quyết định đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, từng loại nguồn vốn; phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư không phù hợp quy định... Công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán còn một số sai sót như áp dụng định mức, đơn giá không đúng quy định.... Công tác đấu thầu còn nhiều sai sót trong việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu...

Trong các năm 2017, 2018 và 2019, qua thanh tra, kiểm tra một số dự án được chọn mẫu trong các cuộc thanh tra, kiểm tra về đầu tư công, Thanh tra Bộ đã kiến nghị xử lý về kinh tế với tổng số tiền 797 tỷ đồng.

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó, cần tiến hành rà soát các dự án, các quyết định đầu tư chưa thực hiện và không phù hợp với quy hoạch để có biện pháp xử lý phù hợp. Kiểm tra, rà soát, đánh giá năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kiện toàn về tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ, công chức cho phù hợp với việc phân cấp trong đầu tư; tăng cường kiểm tra, rà soát, đẩy nhanh tiến độ quyết toán dứt điểm các công trình, dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng...