Chuyện “đầu cơ nghiệp” xưa và nay

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không chỉ là một tài sản lớn, công cụ lao động quan trọng bậc nhất, trâu còn là người bạn gần gũi, là con vật cần cù và hiền lành trong tâm thức người Việt. Năm Tân Sửu 2021 gắn với con giáp này càng thắp sáng kỳ vọng vào một năm bình an, thuận lợi cho mỗi người, mỗi gia đình cũng như đất nước.
Chuyện “đầu cơ nghiệp” xưa và nay

Có trâu tốt, mùa vụ ấm no

Từ thuở xa xưa, với đặc thù của một quốc gia nông nghiệp có truyền thống canh tác lúa nước, con trâu đã gắn bó mật thiết với người nông dân Việt Nam. Không chỉ như một vật nuôi phổ biến ở tất cả mọi miền quê trên dải đất hình chữ S, con trâu còn là công cụ lao động quan trọng đảm bảo khâu nặng nhọc nhất của làm nông, đó là cày bừa - bước khởi đầu của mỗi vụ sản xuất, canh tác. Ngoài đảm nhiệm khâu sức kéo vốn không loài vật nào làm tốt hơn, trâu còn là tài sản, thậm chí là cơ nghiệp lớn nhất mà mỗi gia đình Việt tích lũy, gây dựng được. Càng đáng quý hơn khi thức ăn nuôi trâu là cỏ - loài thực vật là “kẻ thù” với cây trồng và những mùa vàng bội thu. Nhất cử lưỡng tiện. Có được con trâu tốt, mùa vụ báo hiệu ấm no. Có được con trâu tốt, nhà nông kỳ vọng sung túc.

Chẳng thế mà câu thành ngữ "con trâu là đầu cơ nghiệp" từ bao đời nay đã ngự trị trong tâm thức người Việt. Thậm chí, “tậu trâu” còn được coi là việc lớn nhất, hệ trọng của đời người, trước cả việc "cưới vợ, làm nhà". Trong lời ru nằm nôi, gần như ai cũng quen thuộc với câu ca dao: "Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây, trâu đấy ai mà quản công/Bao giờ cây lúa trổ bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn". Lưng trâu cũng là nơi gắn với kỷ niệm tuổi thơ, nơi nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của bao lớp người từ dân thường cho đến các bậc vĩ nhân, quân vương lập quốc.

Bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, vai trò, vị trí của con trâu vẫn rất quan trọng với người dân nhiều vùng, miền đất nước. Đặc biệt, với bà con các dân tộc miền núi phía Bắc, địa hình ruộng nương cheo leo, trâu vẫn là nguồn sức kéo khó có thể thay thế. Trên thực tế, với người Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao... sống ở núi cao đất dốc, canh tác chủ yếu dựa vào nương rẫy và ruộng bậc thang, con trâu phần nào đó vẫn là đầu cơ nghiệp. Ngoài khai thác sức kéo, ngày nay, người dân nuôi trâu để sinh sản, lấy thịt ngày càng phổ biến. Nhiều hộ có đàn trâu lên tới hàng chục con, mỗi năm thu lời vài trăm triệu đồng.

“Con trâu” trong kỷ nguyên hội nhập, số hóa

Từ cách hiểu “con trâu là đầu cơ nghiệp” của ông cha xưa, ngày nay, trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế, kỷ nguyên của số hóa, trí tuệ nhân tạo, đi liền là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc vận dụng câu thành ngữ nói trên chưa bao giờ lại rộng mở và phong phú đến vậy. Nó đòi hỏi mỗi người phải định vị rõ chỗ đứng, mục tiêu, từ đó tìm ra hành trang và tài sản thay thế xứng đáng vị trí "con trâu" để quản trị, khởi nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Đối với tầng lớp doanh nhân ngày nay, khái niệm "con trâu là đầu cơ nghiệp" không chỉ được hiểu đơn giản như nguồn vốn, công xưởng hay các lực lượng vật chất hiện hữu làm nên diện mạo doanh nghiệp, mà còn là chiến lược khi bền bỉ, lúc táo bạo, ứng phó tốt với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước nhiều biến động. Để làm nên “cơ nghiệp” còn cần sức sáng tạo, nắm bắt và ứng dụng thành tựu công nghệ số vào quá trình sản xuất, cung ứng. Sự năng động, nhạy bén, dự báo đúng xu thế của thời đại, khả năng quản trị tiên tiến, năng lực xoay chuyển tốt là những giá trị "lõi" xứng đáng "đầu cơ nghiệp" của mỗi doanh nhân, giúp cho công cụ lao động và lực lượng sản xuất phát huy hết hiệu quả để doanh nghiệp vươn tầm.

Với giới tiểu thương, công nhân, thợ thuyền, việc hiểu và vận dụng khái niệm "con trâu là đầu cơ nghiệp" lại ở một góc độ rất khác. Trước hết, nó đại diện cho kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm và năng lực tổng hợp của mỗi người. Nó là "chìa khóa" đơn giản chỉ để sinh kế hay quyết định mỗi người, mỗi gia đình sẽ vươn tới sự sung túc, đầy đủ. Nếu như chữ tín, chất lượng sản phẩm, kỹ năng bán hàng, nhãn quan phát hiện các nhu cầu tiềm năng, những phân khúc thị trường dù là nhỏ nhất để kinh doanh thành công là giá trị nền tảng với mỗi tiểu thương, thì soi rọi sang giới công nhân, thợ thuyền, tay nghề là "đầu cơ nghiệp" trong giai đoạn đòi hỏi ngày càng cao sự chuyên môn hóa. Để có tay nghề giỏi trong thời đại ngày nay không thể thiếu trí tuệ. Trí tuệ sẽ dẫn đường để nghề nào, lĩnh vực nào cũng có thể đạt đến đẳng cấp tinh xảo, nghệ nhân, chuyên gia.

Điều quan trọng nhất với giới thanh niên và trí thức Việt Nam hôm nay là khát vọng, bản lĩnh tạo sự khác biệt, tìm tòi, dám dấn thân vào thử thách mới mẻ, tìm hướng đi riêng cho mình, từ đó góp phần vào công cuộc hưng thịnh đất nước. Chưa bao giờ, cơ hội khởi nghiệp, làm giàu cho mình, gia đình và xã hội lại lớn và rõ đến thế. Bởi vậy, ý tưởng mới thậm chí sẽ còn quan trọng hơn nguồn vốn. "Đầu cơ nghiệp" ở đây là hội tụ đầy đủ những kiến thức, kỹ năng thời hội nhập mà mỗi người trẻ hôm nay phải tự trang bị cho mình.

Bước vào năm Tân Sửu 2021, với phần lớn người nông dân, khái niệm "con trâu là đầu cơ nghiệp" cũng đã thay đổi rất khác, không chỉ đơn giản là sức kéo gia súc đã được thay thế bằng cơ giới hóa mà nông nghiệp Việt Nam ngày càng tiến lên sản xuất hàng hóa. Trí tuệ của nhà nông, biết sản xuất thứ thị trường cần, tạo ra hàng nông sản chất lượng, có thương hiệu, hướng tới xuất khẩu là nhân tố then chốt để "cơ nghiệp" mỗi gia đình bền vững và phát triển. Sự thành công của những vùng chuyên canh như vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà, bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, cam Cao Phong... cho thấy việc phát huy yếu tố thổ nhưỡng vào chuyên canh các giống cây trồng chất lượng cao đang đem lại phồn vinh cho hàng vạn gia đình nông dân. Có thể coi đây là những mệnh đề mới đòi hỏi nhà nông không ngừng học hỏi, thay đổi, biết vận dụng hợp lý sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, tạo ra chất và lượng mới cho cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập.

Với thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước, yếu tố "đầu cơ nghiệp" không gì bằng hành trang tri thức cùng khát vọng tận hiến vì một tương lai nước Việt hùng cường. Tri thức tiên tiến, niềm tự hào dân tộc, bản sắc văn hóa Việt cùng ước mong đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, sánh ngang các cường quốc năm châu là những giá trị cần nuôi dưỡng, vun đắp không ngừng trong lớp người mới.

Sứ mệnh xây dựng một đất nước hòa bình, thịnh vượng, dân chủ, văn minh đang đặt lên vai mỗi người Việt Nam trong thập kỷ mới với đầy niềm tin, ước vọng.

Tin cùng chuyên mục