Chuyển đổi số - Giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cùng nhiều tỉnh, thành phải tiến hành giãn cách xã hội đã tác động trực tiếp tới nhiều công ty xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng nội ngoại thất khiến họ rơi vào tình cảnh rất khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh “đóng băng”, thậm chí đứng trên bờ vực phá sản. Trước thách thức đó, chuyển đổi số được xem là chìa khóa để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh đã khiến cho các hình thức giao dịch trực tiếp, truyền thống không còn phù hợp. Thời kỳ trực tiếp gặp khách hàng, mời nhà đầu tư "tận mục sở thị" tới từng dự án, showroom để tìm hiểu về căn hộ, nội thất hay từng loại vật liệu xây dựng... không còn khả thi. Việc giao dịch trực tiếp tại các sàn giao dịch để đặt cọc, chốt hợp đồng không dễ dàng thực hiện… Để vượt qua thách thức này, việc ứng dụng công nghệ số hóa là yếu tố không thể thiếu để hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh, do đó nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

Thực tế cho thấy, nhận thức về chuyển đổi số tại Việt Nam còn hạn chế và quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam còn chậm. Theo một kết quả khảo sát của Dell Technologies tại Việt Nam, hiện có 18% doanh nghiệp Việt Nam xem dữ liệu là yếu tố cốt lõi và xuyên suốt, 73% doanh nghiệp hoạt động trên dữ liệu - dữ liệu được coi là mạch máu của công ty. 76% doanh nghiệp cho rằng họ thu thập được nhiều thông tin hơn nhờ chuyển đổi số, nhưng lại không kịp phân tích và sử dụng hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ, chưa quen với khái niệm số hóa, chưa xây dựng được chiến lược dài hạn, các biện pháp chỉ mang tính chất đối phó tình huống. Đa số vẫn còn ngại thay đổi, có tư duy an toàn, làm việc theo thói quen.

Trước đây, theo ông Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng giám đốc Eurowindow, quy luật cạnh tranh là “cá lớn nuốt cá bé”, thì ngày nay đã thay đổi thành “cá nhanh nuốt cá chậm”. Do đó, thay vì phụ thuộc vào quy mô, thì quá trình chuyển đổi số chính là đòn bẩy rất tốt để doanh nghiệp tận dụng sức mạnh, lợi thế riêng biệt nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ và vươn lên phát triển nhanh nhất. Việc ứng dụng công nghệ số giúp doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất, tối ưu hóa sử dụng tài liệu như nguồn tài nguyên số, hỗ trợ cho việc ra quyết định bằng cách phân tích dữ liệu (big data); tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm. Công nghệ số còn giúp quản trị tinh gọn, giảm chi phí như tiết kiệm thời gian của các quy trình; tăng tốc độ phản ứng với những thay đổi của nhu cầu trên thị trường; cập nhật xu hướng thời đại, thúc đẩy văn hóa đổi mới trong công ty.

“Bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là cần phải có gói giải pháp đầu tư tổng thể lâu dài, chiến lược đồng bộ hạ tầng, công nghệ, phần mềm. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề đầu tư vốn, mà còn là chiến lược phát triển lâu dài, có sự chuẩn bị kỹ càng từ bước lập kế hoạch và chiến lược, tổ chức nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Nhận thức được điều này, Eurowindow đã xây dựng hệ thống số hóa đồng bộ để quản trị doanh nghiệp và phát triển kinh doanh, phục vụ khách hàng từ rất sớm, vào năm 2004”, ông Nguyễn Cảnh Hồng nhấn mạnh.

Theo ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, trong giai đoạn khó khăn này, việc tìm kiếm giải pháp để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng tốc và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới là rất cần thiết. Chuyển đổi số là cách xúc tiến đầu tư, thương mại nhanh và hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin hay chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, đi từng bước nhỏ như chấm công, trả lương... cho đến những bước cao hơn như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị thông minh, tự động hóa trong lao động trí óc.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vấn đề đặt ra đối với ngành bất động sản, vật liệu xây dựng... là làm thế nào để kết nối giữa nhà cung cấp, nhà sản xuất và người tiêu thụ ở trong nước và trên thế giới? Trước thách thức đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 3D, triển lãm trên không gian ảo đang được cho là giải pháp rất hiệu quả trong việc quảng bá sản phẩm cũng như giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm tối ưu, tiết kiệm chi phí, giải quyết công việc nhanh chóng, gia tăng khách hàng mà vẫn đảm bảo an toàn với dịch bệnh Covid-19.

Cung cấp giải pháp chuyển đổi số Internet Expo, ông Đinh Văn Lộc - Chủ tịch Onnet Group cho biết, công nghệ thực tế ảo trên không gian mạng đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ hiện nay, đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai và mang lại hiệu quả cao như Mỹ, Dubai... Công nghệ số này giúp thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư dễ dàng quảng bá sản phẩm, đồng thời giúp khách hàng dễ dàng tìm hiểu, trải nghiệm và chốt đơn hàng...

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục