Chuyển đổi số sẽ tạo những giá trị mới cho phục hồi kinh tế sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều chuyên gia, khó có thể quay trở lại cuộc sống trước dịch, kể cả khi Covid-19 kết thúc. Đã đến lúc phải chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới sau dịch; trong đó, chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra những giá trị mới để thúc đẩy tăng trưởng giữa các ngành kinh tế, giúp phục hồi kinh tế nhanh và bền vững hơn.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những thay đổi đột phá trong đời sống của thế giới, từ những nhu cầu cơ bản cho đến các hoạt động kinh tế và các mối quan hệ xã hội. Các chuyên gia cho rằng, khó có thể quay lại cuộc sống trước dịch, kể cả khi Covid-19 kết thúc. Họ cũng nhấn mạnh rằng đã đến lúc chúng ta chuẩn bị cho một trật tự thế giới mới sau đại dịch.

Theo ông Yong Hongtaek, Thứ trưởng Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc, có 3 điều cần thiết để phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau Covid-19. Một là, cần tăng cường đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ, điều này sẽ tạo ra những thay đổi trong tương lai. Ông Yong Hongtaek dẫn chứng trường hợp của Công ty Moderna Therapeutics với vỏn vẹn 10 năm hình thành và phát triển nhưng đã thành công trong việc phát triển vắc xin Covid-19 bằng khả năng nghiên cứu của mình, sau không đầy một năm kể từ khi tiếp cận được giải trình tự gen Covid-19. Đây là thực tiễn tốt nhất cho thấy rằng sự đổi mới khoa học và công nghệ có thể dẫn đến các hoạt động khởi nghiệp thành công.

Ngoài ra, cần chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số. Đó là tiền đề cho sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ AI và dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tài chính. Trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng, việc một công ty có thể chủ động đi đầu trong nền kinh tế kỹ thuật số không chỉ quyết định sự tăng trưởng của công ty mà còn quyết định cả tương lai của một quốc gia. Trong thời đại chuyển đổi số, dữ liệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi vì đó là yếu tố quyết định hiệu suất của công nghệ AI cũng như tạo ra các công nghệ và dịch vụ số sáng tạo.

Cần nghiên cứu hình thành các đặc khu về nghiên cứu và phát triển hướng tới mục tiêu hình thành nên một mô hình cụm có quy mô nhỏ và mật độ cao, trong đó bao gồm các cơ quan công nghệ quan trọng như các trường đại học địa phương, viện nghiên cứu và các công ty đại chúng. Khi các công nghệ được ứng dụng và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo trên thị trường tư nhân, chúng có thể góp phần vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế địa phương, góp phần vào quá trình phục hồi và tăng trưởng bền vững cho quốc gia.

Việt Nam đang xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, nói đến kinh tế số là nói đến sản xuất số, trao đổi số, phân phối số và tiêu dùng số. Cái mới bao giờ cũng cần thể chế mới - thể chế số - đóng vai trò kiến tạo phát triển số, đảm bảo các hoạt động và giao dịch số là hợp pháp, được pháp luật bảo vệ.

Mọi doanh nghiệp đều có thể và phải trở thành doanh nghiệp công nghệ. Theo đó, một chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được Chính phủ chú trọng, ông Hùng thông tin.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) bày tỏ quan điểm, để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, việc đầu tư vào xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia tập trung là rất quan trọng, tránh việc các bộ, ngành, địa phương đầu tư manh mún không hiệu quả.

Ngoài ra, cần thúc đẩy sự phát triển của các nền tảng ứng dụng lớn, cung cấp các dịch vụ số cho xã hội như: thanh toán số, thương mại số, logistics, tự động hóa sản xuất, chuyển đổi số tất cả các lĩnh vực kinh tế của xã hội, đồng thời thúc đẩy sự liên thông dịch vụ và dữ liệu giữa các nền tảng dịch vụ và cơ sở dữ liệu, tránh sự cát cứ, mất đồng bộ. Đồng thời, mạnh dạn cấp phép thử nghiệm cho các dịch vụ số mới.

Ông Dũng cho rằng, để gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia và sức mạnh cạnh tranh quốc tế cho các công nghệ, sản phẩm Việt Nam, cần thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ nền như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế ảo…; nghiên cứu phát triển các công nghệ lõi như chipset, công nghệ bán dẫn; phát triển hệ sinh thái sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam. Việc phát triển thị trường nội địa sử dụng các sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam cũng cần được chú trọng; thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh doanh truyền thống sang các mô hình kinh doanh phù hợp trong giai đoạn CMCN4.0.

Tin cùng chuyên mục