Cienco 8 tìm nguồn vốn thi công các gói thầu lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, giải quyết khó khăn về nguồn vốn thi công các gói thầu lớn, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) đang thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 145 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Đại diện cổ đông nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến không tham gia đợt tăng vốn này.
Cienco 8 đang tham gia thi công Gói thầu số 12-XL thuộc Dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn với giá trị hơn 5.480 tỷ đồng. Ảnh: Quang Đạt
Cienco 8 đang tham gia thi công Gói thầu số 12-XL thuộc Dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn với giá trị hơn 5.480 tỷ đồng. Ảnh: Quang Đạt

Cổ đông nhà nước dần rút khỏi Cienco 8

SCIC đang trong quá trình tìm người mua hơn 10,868 triệu quyền mua cổ phần Cienco 8 với giá bán 2.300 đồng/quyền mua. Đây là số quyền mua SCIC được nhận khi Cienco 8 thực hiện chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Với tỷ lệ thực hiện quyền mua 1:0,245943, cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được hưởng 1 quyền ưu tiên mua và cứ 1 quyền ưu tiên mua sẽ được mua 0,245943 cổ phần phát hành mới.

Hiện SCIC đang sở hữu hơn 10,8 triệu cổ phiếu của Cienco 8, tương đương 18,42% vốn điều lệ. Đây là số cổ phiếu SCIC nhận chuyển giao từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) năm 2017. Động thái của SCIC cho thấy, đơn vị được giao quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại Cienco 8 còn 14,7%.

Cienco 8 tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GTVT, được cổ phần hóa vào năm 2014. Ngày 6/5/2014, Cienco 8 đã đưa ra đấu giá hơn 10 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, nhưng chỉ bán được 37.000 cổ phần với giá bình quân 10.000 đồng/cổ phần. Việc IPO của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn do kết quả kinh doanh bết bát.

Bên cạnh đó, Cienco 8 cũng nhận được vốn góp từ 3 cổ đông chiến lược là Công ty CP Cầu đường Long Biên (góp 35 tỷ đồng, chiếm 10% vốn điều lệ), Công ty CP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC (góp 21 tỷ đồng, chiếm 6% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (góp 17,5 tỷ đồng, chiếm 5% vốn điều lệ).

Vào cuối tháng 8/2015, Bộ GTVT tiếp tục bán đấu giá hơn 19,134 triệu cổ phần Cienco 8 với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần. Trong đó, gần 8,3 triệu cổ phần được bán cho 2 nhà đầu tư đặt mua với tổng giá trị gần 83,5 tỷ đồng. Sau đợt đấu giá, Cienco 8 có vốn điều lệ 266,6 tỷ đồng, trong đó, Bộ GTVT còn sở hữu hơn 10,8 triệu cổ phần, tương ứng 40,5% vốn điều lệ. Cùng với đó, các cổ đông chiến lược cũng thực hiện thoái vốn tại Cienco 8 trước thời hạn cam kết.

Tháng 10/2015, Cienco 8 công bố thông tin ông Lương Minh Tường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Lộc được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cienco 8.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây đã chỉ ra việc Cienco 8 xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược (trường hợp không phải tổ chức tín dụng) không cụ thể dẫn tới việc nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC và Công ty CP Cầu đường Long Biên thoái vốn trước thời hạn cam kết. Cụ thể, hai nhà đầu tư trên thoái hết vốn sau 1 năm từ thời điểm Cienco 8 chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Trong giai đoạn 2016 - 2017, Cienco 8 thực hiện tăng vốn điều lệ lên 589,9 tỷ đồng, khiến tỷ lệ sở hữu của Bộ GTVT tại doanh nghiệp này giảm còn 18,42%. Tính đến thời điểm 3/6/2024, vợ chồng ông Lương Minh Tường và bà Đinh Thị Hương Giang nắm giữ 58,91% vốn điều lệ Cienco 8.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất của Cienco 8. Đơn vị tính: tỷ đồng
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất của Cienco 8. Đơn vị tính: tỷ đồng

Tham gia nhiều gói thầu nghìn tỷ, muốn tăng vốn lên 800 tỷ

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Cienco 8 đạt 2.611 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ở mức 1.849 tỷ đồng, chiếm 70,8%.

Việc thực hiện tăng vốn của Cienco 8 đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 6/2024. Theo đó, năm 2024 và các năm tiếp theo, Cienco 8 tiếp tục tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu các khoản nợ. Bên cạnh đó, tập trung nguồn vốn để thi công các gói thầu tham gia. Nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, giải quyết khó khăn về nguồn vốn, Cienco 8 muốn tăng vốn lên 800 tỷ đồng, phát hành cổ phần từng đợt theo nhu cầu sử dụng vốn.

Trong những năm gần đây, Cienco 8 cùng với Tập đoàn Phúc Lộc đã tham gia nhiều gói thầu lớn, trong đó có các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1. Cụ thể, đầu năm 2021, Cienco 8 và Phúc Lộc góp mặt trong liên danh trúng Gói thầu số 1-XL thuộc Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với giá hơn 1.069 tỷ đồng; Gói thầu XL03 thuộc Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết với giá hơn 1.032 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại cả 2 gói thầu này, Cienco 8 đều bị ban điều hành dự án đánh giá năng lực tài chính, tổ chức thi công chưa đáp ứng yêu cầu.

Đầu năm 2022, Liên danh gồm Cienco 8, Phúc Lộc cùng 4 nhà thầu khác được lựa chọn thực hiện Gói thầu số 3.4 Thi công xây dựng công trình san nền và thoát nước, khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với giá hơn 4.411 tỷ đồng.

Hiện Cienco 8 liên danh với Phúc Lộc cùng 3 nhà thầu khác đang thực hiện Gói thầu số 12-XL Thi công xây dựng đoạn Km23+500 - Km70+091 thuộc Dự án cao tốc Hoài Nhơn - Quy Nhơn (trúng thầu đầu năm 2023 với giá hơn 5.480 tỷ đồng); Gói thầu XL10 Xây dựng cầu vượt N3 và N4 thuộc Dự án Xây dựng nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM với giá 235,8 tỷ đồng…

Báo cáo của SCIC trong đợt chào bán quyền mua cổ phần Cienco 8 phần nào cho biết tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này. Doanh thu hợp nhất bình quân 3 năm (2021 - 2023) và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.433 tỷ đồng và 24,1 tỷ đồng. Kết quả này tích cực hơn nhiều so với giai đoạn thực hiện cổ phần hóa với các khoản lỗ 44 tỷ đồng năm 2012, lỗ 92,54 tỷ đồng năm 2013 và lỗ 13,3 tỷ đồng trong năm 2014.

Tin cùng chuyên mục