Theo đó, Công ty TNHH Tích hợp hệ thống CMC (CMC SI) trúng Gói thầu Trang bị phần mềm bản quyền Microsoft thuộc Dự án Thuê 3 năm bản quyền phần mềm Microsoft. Giá gói thầu là 106,8 tỷ đồng. Giá trúng thầu là 106,59 tỷ đồng.
Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT trúng Gói thầu Trang bị phần mềm bản quyền Microsoft thuộc Dự án cùng tên. Giá gói thầu là 68,67 tỷ đồng. Giá trúng thầu là 68,66 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, giá trúng thầu so với giá gói thầu của cả hai gói thầu trên đều “đua nhau” sát nút.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Xuân Hòa – cán bộ phụ trách tổ chức đấu thầu 2 gói thầu nói trên của Chủ đầu tư cho biết: Hai gói thầu tương đối giống nhau về tên gọi nhưng giá gói thầu có sự chênh lệch là bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, thời gian thực hiện 1 tháng hay 3 năm chỉ là một yếu tố. Tên gọi giống nhau nhưng số lượng và chủng loại phần mềm của mỗi gói thầu là khác nhau, cho nên giá gói thầu cũng có sự khác nhau.
“Trong quá trình đấu thầu, số lượng nhà thầu tham gia vừa đủ để tổ chức lựa chọn nhà thầu. Số lượng nhà thầu tham gia còn phụ thuộc vào việc nhà thầu đó có được cung cấp giấy phép phần mềm của Microsoft hay không” - ông Hòa nhấn mạnh. Theo thông tin công khai trên website của Microsoft, Việt Nam hiện có 5 doanh nghiệp là đối tác của Microsoft. Ngoại trừ 2 doanh nghiệp là nhà thầu trúng thầu nói trên, những doanh nghiệp còn lại là FPT Information System Corp. (FIS), SoftwareOne Vietnam Co., Ltd. và SL Intermational Co., Ltd. (Softline).
Các gói thầu nêu trên đều áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước. Loại hợp đồng là trọn gói, nhưng thời gian thực hiện hợp đồng của mỗi gói là khác nhau. Thời gian thực hiện hợp đồng đối với Gói thầu do Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT trúng thầu là 30 ngày; còn đối với Gói thầu do CMC SI trúng thầu là 3 năm.
CMC SI được thành lập từ năm 1995 và hoạt động trong lĩnh vực tích hợp hệ thống. Nhà thầu này từng cung cấp dịch vụ cho các cơ quan chính phủ, ngành tài chính - ngân hàng, giáo dục và đào tạo. Đây là đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn Công nghệ CMC (nắm giữ 50% vốn góp CMC SI), từng lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (do VNR xếp hạng năm 2013). Riêng trong lĩnh vực phần mềm, ông Phạm Thy Hùng – chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin đánh giá: “Trong giới công nghệ thông tin, CMC được xem là một trong những doanh nghiệp tư nhân có năng lực và uy tín hàng đầu, cạnh tranh với FPT, Viettel, VNPT…”.
Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn CMC năm 2014 tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 3.450 tỷ đồng (năm 2013 là 3.097 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế là 109,03 tỷ đồng (năm 2013 là 16,8 tỷ đồng). Riêng lĩnh vực tích hợp hệ thống, doanh thu năm 2013 và năm 2014 lần lượt là 1.032 tỷ đồng và 1.2018,9 tỷ đồng; tương ứng, lợi nhuận lần lượt là 29,3 tỷ đồng và 46,5 tỷ đồng. Ngoài lĩnh vực sản xuất và phân phối, lợi nhuận mang lại từ lĩnh vực tích hợp hệ thống chiếm tỷ trọng lớn thứ hai. Tính đến năm 2014, tổng tài sản của CMC là 1.726 tỷ đồng, hệ số nợ trên tổng tài sản là 0,59%. Chỉ tiêu doanh thu năm 2015 là 3.093 tỷ đồng (giảm 5% so với năm 2014 do giảm doanh thu từ lĩnh vực phân phối và lắp ráp) và lợi nhuận sau thuế là 153,7 tỷ đồng (hiện báo cáo thường niên năm 2015 và báo cáo tài chính quý I/2016 của CMC chưa được công bố).
Công ty CP Dịch vụ công nghệ tin học HPT cũng được xem là một trong những doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực phần mềm. Tính đến hết năm 2015, HPT có tổng tài sản là 366,2 tỷ đồng, tuy nhiên, số nợ phải trả cũng chiếm tỷ lệ khá lớn, 76% tổng tài sản (278,6 tỷ đồng). Doanh thu toàn Công ty năm 2015 là 688,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 6,27 tỷ đồng. Mục tiêu của Công ty năm 2016 là đạt 720 tỷ đồng doanh thu.