Cơ hội để DN nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng xanh

(BĐT) - Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) xây dựng Sổ tay tín dụng xanh cho DNNVV. 
Khối DNNVV hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN Việt Nam và có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Ảnh: Hoài Tâm
Khối DNNVV hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN Việt Nam và có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước. Ảnh: Hoài Tâm

Sổ tay sẽ đưa ra một số tiêu chí cốt lõi, tạo điều kiện cho khối DN này tiếp cận được các khoản vay từ Quỹ một cách dễ dàng hơn để phát triển bền vững.

“Việt Nam đã chậm trễ”

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng xanh đang được nhìn nhận như là cơ hội mới cho các DNNVV. Bởi lẽ, trong một xã hội phát triển, nền kinh tế hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao hơn đối với sản phẩm. Việc triển khai các dự án tăng trưởng xanh cũng giúp tiết kiệm được nguồn lực, giúp DNNVV hướng đến đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, nhấn mạnh tại Hội thảo Tham vấn Sổ tay hướng dẫn tiêu chí ưu tiên gắn với tăng trưởng xanh cho các DNNVV được tổ chức ngày 20/12, ông Adam Ward, đại diện quốc gia GGGI cho rằng, Việt Nam quá chậm trễ thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Lý do chính của thực trạng này là do đến nay, nhiều DNNVV Việt Nam vẫn chưa hiểu thế nào là một dự án tăng trưởng xanh, đồng thời các DN này lại gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn thực hiện dự án.

Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV cũng đánh giá, khối DN này hiện chiếm khoảng 98% tổng số DN Việt Nam và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây chính là nơi tạo ra việc làm chủ yếu, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần cho xóa đói giảm nghèo. Khối DN này cũng đang tạo phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hội nhập kinh tế, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, khối DN này vẫn gặp không ít khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, trong đó có nguồn lực tài chính để phát triển bền vững.

Về việc tháo gỡ  những khó khăn nêu trên, bà Hồng cho rằng, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực vào đầu năm 2018 đã đưa ra những cơ chế hỗ trợ cho khối DN này phát triển. “Luật quy định chức năng của Quỹ Phát triển DNNVV nhằm mục tiêu đẩy mạnh hỗ trợ tài chính góp phần giúp khối DNNVV phát huy tối đa tiềm năng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, phát triển bền vững”, bà Hồng cho biết. 

5 tiêu chí ưu tiên gắn với tăng trưởng xanh

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã có không ít nỗ lực ban đầu để khuyến khích các DNNVV đầu tư vào công nghệ xanh hoặc các DN xanh, nhưng thành công còn hạn chế.

Từ thực tiễn ấy, ông Adam Ward nhấn mạnh, nhằm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh đã được Chính phủ thông qua năm 2014, Quỹ Phát triển DNNVV và GGGI hợp tác xây dựng Sổ tay Tín dụng xanh. “Sổ tay được ban hành sẽ là cẩm nang hướng dẫn những vấn đề cần thiết về tiêu chí ưu tiên, điều kiện, hồ sơ, thủ tục để giúp DNNVV tiếp cận nguồn lực tài chính từ Quỹ thuận lợi hơn”, ông Adam Ward cho biết. Sổ tay sẽ cung cấp những thông tin thiết yếu nhằm giúp DNNVV xác định các tiêu chí được ưu tiên hỗ trợ gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh (tiêu chí xanh); đồng thời hướng dẫn DNNVV xây dựng dự án, phương án sản xuất kinh doanh gắn với yếu tố xanh. Đối tượng sử dụng Sổ tay là các DNNVV theo quy định của pháp luật Việt Nam; các ngân hàng được Quỹ ủy thác cho vay và những đối tượng khác quan tâm đến phát triển DNNVV.

Theo đại diện Quỹ Phát triển DNNVV, để nhận được hỗ trợ từ Quỹ, ngoài việc DNNVV phải đáp ứng các điều kiện nhận hỗ trợ tín dụng theo quy định, thì đồng thời đáp ứng 5 nhóm điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Dự thảo Sổ tay nhấn mạnh 5 nhóm tiêu chí này gồm: Năng lực quản trị điều hành, uy tín tín dụng; tạo việc làm và yếu tố giới; sản phẩm đầu ra đạt chất lượng cao, sử dụng nguyên liệu mới; có tính đổi mới; có yếu tố bảo vệ, thân thiện với môi trường.

Về nhóm tiêu chí năng lực quản trị điều hành, uy tín tín dụng, Dự thảo Sổ tay yêu cầu, ban giám đốc của DN có ít nhất 1 thành viên có 3 năm kinh nghiệm làm việc trở lên trong lĩnh vực có liên quan đến dự án hoặc ít nhất 3 năm trở lên làm quản lý DN. Chủ DN đã tham gia khóa đào tạo chuyên sâu về sản xuất hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cho DN… Đặc biệt, về lịch sử tín dụng, phải là DN không có nợ xấu trong 12 tháng gần nhất… Xung quanh vấn đề này, Hội thảo cũng lắng nghe nhiều các ý kiến tham vấn liên quan nhằm hoàn thiện Dự thảo Sổ tay.