Cơ hội lịch sử để Việt Nam bứt phá, vươn tầm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vượt qua những “cơn gió ngược”, Việt Nam vững vàng vươn lên, khẳng định giá trị mới, sức hút mới trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bước đi của thế giới ngày càng nhanh hơn trong thời đại công nghệ đòi hỏi Việt Nam phải bứt phá thần tốc trên con đường vươn tới mục tiêu thịnh vượng.

Đón năm mới Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với Báo Đấu thầu những cơ hội có tính lịch sử đang mở ra, gợi mở những định hướng, giải pháp để hội tụ sức mạnh, biến cơ hội, khát vọng phát triển đất nước thành hiện thực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Nền kinh tế nước ta đã đi qua 3 năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, Bộ trưởng nhận định như thế nào về những kết quả đạt được?

Kết quả đạt được tuy chưa cao nhưng rất đáng trân trọng, nhất là khi đặt trong mối tương quan chung với các nước và trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, khó lường. Chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu phát triển khi cả đất nước cùng chung sức, kiên cường vượt khó, nắm bắt từng cơ hội nhỏ nhất để phục hồi, phát triển.

Việt Nam trong 3 năm qua luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là “điểm sáng” trong bức tranh xám màu của kinh tế toàn cầu. Năm 2023, tăng trưởng GDP thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới. Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Định mức tín nhiệm quốc gia vừa được Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng lên mức BB+ với triển vọng “Ổn định”.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động ngoại giao kinh tế năm 2023 gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật thông qua các hoạt động trao đổi các đoàn ngoại giao cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và dấu ấn Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Binden tại Việt Nam, tháng 9/2023

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Binden tại Việt Nam, tháng 9/2023

Bộ trưởng nhận định như thế nào về những cơ hội, thách thức của đất nước trên con đường hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển?

Dù thành tựu phát triển thời gian qua là rất đáng tự hào, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động còn thấp, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn hiện hữu. Không có cách nào khác, phải có những bước nhảy vọt thần tốc với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, giải pháp đột phá, bước đi phù hợp với xu thế thời đại. Chỉ có như vậy chúng ta mới thực hiện được mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra là đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Việt Nam chưa bao giờ có tầm vóc, vị thế, uy tín trên trường quốc tế tốt như hiện nay, chúng ta đang đứng trước thời điểm vàng để tạo ra bước ngoặt phát triển. Vượt qua những cơn gió ngược, khả năng chống chịu của nền kinh tế đã mạnh mẽ hơn; bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam đã được tôi luyện qua lửa thử thách; niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã được củng cố, tạo nên sức mạnh nội sinh, khí thế rất lớn.

Trong 3 năm qua, với việc triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực, chúng ta cũng đã từng bước chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng, động lực mới cho phát triển đất nước nhanh, bền vững trong trung và dài hạn. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội phê duyệt, 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, hoạch định con đường phát triển cho đất nước, cho mỗi ngành, vùng và mỗi địa phương.

Nếu công tác quy hoạch được xem là “khai phóng, mở đường”, thì hệ thống hạ tầng giao thông chính là “đường băng” cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Chúng ta đã ưu tiên dành nguồn lực lớn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để tập trung đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng. Khi trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các công trình hạ tầng chiến lược khác hoàn thành, cơ hội bứt tốc phát triển cho các tỉnh, các vùng kinh tế là rất lớn.

Cùng với đó, vị thế mới của đất nước đang mở ra những cơ hội chưa từng có khi giới đầu tư quốc tế đánh giá Việt Nam như một điểm đến đầy tiềm năng. Năm 2023, Việt Nam thu hút 36,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và 23,18 tỷ USD vốn thực hiện, tăng lần lượt 32,1% và 3,5% so với năm 2022. Số vốn thực hiện kỷ lục trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư và kỳ vọng lớn vào tương lai Việt Nam. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã hội tụ tại Việt Nam, coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất quan trọng hàng đầu, muốn gia tăng đầu tư để cùng Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ trong ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế số với dự kiến doanh thu toàn cầu khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Cơ hội càng rõ nét hơn khi mới đây Hoa Kỳ khẳng định sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Sự quan tâm tìm đến Việt Nam của nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Việt Nam đang có “thời cơ vàng” để phát triển lĩnh vực này, nếu tận dụng thành công sẽ là bàn đạp để bứt phá, vươn lên trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang tham quan NIC Hòa Lạc, cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai

Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang tham quan NIC Hòa Lạc, cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai

Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao nói chung, ngành bán dẫn nói riêng mở ra cơ hội lịch sử, có thể tạo nên bước ngoặt phát triển cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, làm thế nào để đón bắt, tận dụng thành công cơ hội này, thưa Bộ trưởng?

Cơ hội sẽ không đến hai lần, nắm bắt được cơ hội trong khó khăn, thách thức lại càng đáng giá và vì trách nhiệm với đất nước, chúng ta không được phép bỏ lỡ “thời cơ vàng” này.

Việt Nam đang ở trong tâm thế chủ động, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về hạ tầng cơ sở, hạ tầng mềm, nguồn nhân lực, hệ sinh thái doanh nghiệp… để sẵn sàng đón bắt cơ hội thu hút đầu tư mới, đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung, ngành bán dẫn nói riêng.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, những lợi thế truyền thống về địa chính trị, ổn định vĩ mô, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường lớn với 100 triệu dân, hạ tầng chiến lược hiện đại, đồng bộ… là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Việt Nam cần chủ động xây dựng, gia tăng lợi thế mới, giá trị mới, phù hợp thời đại, xu hướng đầu tư mới.

Tôi cho rằng, trước những bước đi nhanh hơn của thế giới, Việt Nam phải tập trung mạnh vào phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao - nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia hiện nay. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, biến mối quan tâm thành hiện thực, thu hút và hấp thụ được dòng vốn chất lượng cao, tạo nên giá trị gia tăng lớn hơn cho đất nước.

Đây cũng là giải pháp cốt lõi để cải thiện năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, giúp nền kinh tế bứt phá, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trên bình diện khu vực và quốc tế. Nhìn vào thành công của những “con hổ châu Á” có thể thấy chính khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao là phép màu giúp các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore… có bước phát triển thần kỳ.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tận dụng, phát huy lợi thế dân số vàng, đào tạo, chuyển đổi nhanh từ nhân lực thông thường sang nhân lực tinh hoa, chất lượng cao là rất quan trọng với Việt Nam. Tôi lấy ví dụ, ngành bán dẫn, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò rất lớn, giá trị thu được phụ thuộc chính vào sức sáng tạo của những bộ óc tài năng. Trong khi đó, Việt Nam không thua kém bất cứ quốc gia nào về trí tuệ con người, nếu phát huy được, chúng ta có cơ hội tham gia sâu hơn vào khâu thiết kế - công đoạn đem lại giá trị gia tăng lớn nhất, làm chủ được công nghệ lõi.

Với việc đào tạo đội ngũ nhân lực hùng hậu, Việt Nam có thể trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu

Với việc đào tạo đội ngũ nhân lực hùng hậu, Việt Nam có thể trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu

Về giải pháp, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 nhấn mạnh phải “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định quan điểm: “Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn… Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển”. Từ đó, Chiến lược và Quy hoạch đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp để củng cố, phát huy những động lực phát triển quan trọng này.

Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể để đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nền kinh tế. Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách mới đang được các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng nhằm khơi dậy niềm đam mê, khát vọng cống hiến, tinh thần khởi nghiệp, khuyến khích sự dấn thân, dám đối diện với rủi ro trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Chính phủ cũng chú trọng các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối, phát huy trí tuệ nhân tài Việt Nam trên khắp thế giới. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Riêng với ngành bán dẫn, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030 với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chuyên ngành. Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thiện và nếu thực hiện thành công Đề án, với 50.000 kỹ sư, 1.000 thạc sỹ, 100 tiến sỹ, đồng thời thu hút được đội ngũ nhân tài, chuyên gia, kỹ sư ở nước ngoài về quê hương làm việc, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhân lực hùng hậu, có thể trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn toàn cầu.

Mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước đã được định hình, cơ hội lớn chưa từng có đã được mở ra, việc cần làm là phải tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả, trên tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao, không được phép chậm trễ, vì chậm trễ là đánh mất cơ hội, là có lỗi với đất nước, với Nhân dân, với thế hệ mai sau.

Việt Nam kiên định chọn con đường tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho tương lai đất nước

Việt Nam kiên định chọn con đường tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho tương lai đất nước

Xin Bộ trưởng chia sẻ một vài dự cảm trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024?

Năm 2024, tình hình thế giới còn nhiều biến động phức tạp, khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh ấy, chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế đặt ra cho năm 2024 đạt 6 - 6,5% vẫn được coi là áp lực, đòi hỏi việc điều hành kinh tế - xã hội phải chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách nhanh, chính xác để kịp thời ứng phó với những vấn đề mới phát sinh; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng.

Tôi tin rằng, bằng bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, ý chí kiên cường, với niềm tự hào dân tộc, khát vọng thịnh vượng luôn cháy bỏng và những bài học kinh nghiệm quý báu thu được trong 3 năm gian khó vừa qua, Nhân dân Việt Nam sẽ nắm được cơ hội tăng tốc, bứt phá trong năm 2024 và trên con đường xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Bước vào năm mới Giáp Thìn, tôi mong mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp ý thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình với Tổ quốc, tích cực đổi mới sáng tạo để theo kịp xu hướng thời đại, từ đó tạo ra giá trị mới cho bản thân, cho tổ chức, đồng thời góp sức, cống hiến nhiều hơn cho tương lai Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!