Cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu từ TPP

(BĐT) - Hôi thảo TPP - Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam vừa diễn ra đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước, nhất là khi “hiệp định thế kỷ” này có hiệu lực từ năm 2018.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Thâm nhập sâu hơn vào thị trường các khu vực

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khi TPP có hiệu lực vào năm 2018, nhiều cơ hội cho các DN XNK sẽ được mở ra. Nghĩa là, hoạt động XNK của Việt Nam sẽ được phân bổ đồng đều hơn tại các khu vực trên toàn cầu. Nếu như hiện nay hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu, châu Mỹ... thay vì chủ yếu là các nước châu Á như lâu nay. Đáng lưu ý, nhiều mặt hàng như nông sản, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi vào thị trường các nước TPP nhờ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu (NK).

Ở chiều ngược lại, việc đưa thuế XNK về 0% trong các thành viên TPP sẽ làm cho hàng hóa NK từ các nước tràn về Việt Nam ngày càng nhiều. Theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, các DN Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn, nhất là các DN trong các ngành như ô tô, thực phẩm, đường, ngân hàng, phân phối, viễn thông hoặc là các DN nhỏ và vừa, có ít vốn. Trong khi đó, người Việt lại có xu hướng thích dùng hàng ngoại.

Theo thống kê, Việt Nam đến thời điểm này đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay rất thấp, trung bình 35% (ngoại trừ AKFTA 85%), tức là 65% còn lại là hàng hóa phải chịu thuế theo ưu đãi tối huệ quốc (MFN) cao hơn nhiều so với mức thuế FTA từ 0 - 5%. Bà Leow Siu Liu, Tổng Lãnh sự quán Singapore cho rằng, TPP là một bước tiến mang tính chiến lược. Đây là cơ hội lớn của Việt Nam, nhất là các DN. Đương nhiên, DN Việt Nam cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh và thích ứng để khai thác những ưu đãi của Hiệp định này.

Cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM cho hay, trong TPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế NK đối với 66% dòng thuế ngay khi Hiệp định này có hiệu lực và 86,5% dòng thuế vào năm thứ 4. Các mặt hàng còn lại có lộ trình từ 5 - 10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, lộ trình trên 10 năm hoặc Hoa Kỳ cam kết vào thời điểm Hiệp định trên có hiệu lực, khoảng 98% kim ngạch nông, thủy sản và 75% kim ngạch hàng công nghiệp (không bao gồm dệt may) được miễn thuế NK. Vì vậy, các DN cần phải hiểu rõ các quy định trong Hiệp định để vận dụng hoạt động kinh doanh của mình.

Theo khảo sát, 4 vấn đề mà các DN, nhất là ngành thủy sản, quan tâm hàng đầu khi TPP có hiệu lực là thuế quan, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn và môi trường. Vì vậy, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngoài những nỗ lực tự thân của DN, Nhà nước cần hỗ trợ xử lý các tranh chấp trực tiếp nhằm thúc đẩy XK khi tham gia TPP, nhất là việc đối phó với các tranh chấp thương mại, xử lý những vấn đề phi thương mại, đặc biệt là việc rà soát, sửa đổi, bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp, chồng chéo.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng, khi tham gia TPP, hệ thống pháp luật liên quan đến XNK và hải quan của Việt Nam sẽ được thay đổi. Không chỉ nới lỏng, mà những quy định nào trở thành rào cản sẽ được bãi bỏ. Vấn đề hạn ngạch như trước đây cũng không còn. Tuy nhiên, các quy định như xuất xứ, hàng rào kỹ thuật và sở hữu trí tuệ tới đây sẽ được quy định chặt chẽ, tức là yêu cầu sẽ cao hơn. Riêng đối với lĩnh vực hải quan, Nhà nước sẽ trao quyền cho DN nhiều hơn. Đơn cử như hiện nay, Nhà nước cấp giấy chứng nhận xuất xứ, nhưng khi TPP có hiệu lực công việc này DN sẽ đảm nhận.