DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng tốt nhưng chuỗi giá trị chưa cao. Ảnh: Lê Tiên |
Cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt
Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP, tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA) là không nhỏ, song cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó biến thành sức mạnh trên thị trường mà phải thông qua chủ thể là Nhà nước và doanh nghiệp (DN).
Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các FTA mới và tham gia vào sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Trong đó, FTA với EU và TPP là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ tự do hóa rất sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và chế tài xử phạt khi vi phạm nghiêm ngặt. “Cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt trên cả ba cấp độ: sản phẩm, DN và chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh. Tới đây, khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương, nếu sản phẩm không cạnh tranh được. Một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm, tạo sức ép về mặt xã hội”, ông Tuyển cảnh báo.
Theo các chuyên gia kinh tế, đối với Việt Nam, từ những dự báo, có thể nhận định rằng, những yếu tố bên ngoài tác động đến tăng trưởng kinh tế là tích cực. Với các yếu tố bên trong, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, nhưng vẫn còn những hạn chế yếu kém như: cân đối ngân sách rất căng thẳng, nợ công tăng cao, nợ xấu chưa được xủ lý tốt, DN trong nước rất khó khăn.
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các DN Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa ngay từ bây giờ. Riêng với lĩnh vực dệt may, nếu tiếp tục nhậu khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc thì sẽ không khai thác được lợi thế của TPP. Các DN trong nước đừng đầu tư khép kín mà phải có liên kết với nhau, được như vậy trong hai năm tới tăng trưởng sẽ tốt hơn.
Phải cởi mở hơn nữa
Chia sẻ về những thách thức trong việc tuân thủ các cam kết thương mại trong TPP mà DN Việt Nam cần chuẩn bị, ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng, các công ty đa quốc gia sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do các FTA, trong đó có TPP mang lại, khi sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường TPP. Điều này cũng mang đến cơ hội mới cho các DN trong nước trong việc trở thành nhà cung cấp cho các DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Những nỗ lực của Việt Nam trong cải cách thể chế thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tuy nhiên cần phải tiến hành quyết liệt và cởi mở hơn nữa. Bà Foote Virginia, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành Bay Global Strategies (USA), đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, TPP không giải quyết các vấn đề sau biên giới, tức không bắt buộc các quốc gia thay đổi về hành chính hay tham nhũng. TPP là một ngôi nhà rất đẹp, nhưng trong ngôi nhà đó còn nhiều việc phải làm. Vì vậy các vấn đề của nội bộ quốc gia cần được các quốc gia giải quyết trong vài năm tới. Lâu nay, Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng tốt nhưng thực tế cho thấy, chuỗi giá trị chưa cao, nên cần phải khắc phục điểm yếu này.
Theo xu thế phát triển của thời đại, cùng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia là xu hướng cá thể hóa DN và sự xuất hiện của “kinh tế chia sẻ”; từ chạy theo tốc độ tăng trưởng sang coi trọng chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Theo xu thế này, ông Herb Cochran, Giám đốc Điều hành AmCham cho rằng, Việt Nam còn nhiều việc phải làm phía trước. Chính phủ nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các DN FDI và các nhà cung cấp trong nước, với mục đích xác định các cơ hội cho các công ty Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập các nguồn thông tin thương mại và các trung tâm hỗ trợ DN Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.