Có nên công khai giá vốn của trang thiết bị y tế?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp không đồng thuận với đề xuất mới đây của Bộ Y tế về việc yêu cầu doanh nghiệp công khai giá vốn của trang thiết bị y tế, nhằm giải quyết tình trạng các đơn vị, cơ sở y tế gặp khó khăn trong việc xác định mức giá phù hợp khi thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa này.
Có nên công khai giá vốn của trang thiết bị y tế?

Theo đề xuất của Bộ Y tế, cần bổ sung quy định công khai trên Cổng thông tin điện tử công khai giá trang thiết bị y tế về giá vốn nhập khẩu đối với mặt hàng trang thiết bị y tế, bao gồm giá mua tại cửa khẩu Việt Nam (giá CIF) và/hoặc giá vốn sản xuất đối với sản xuất trong nước.

Cho ý kiến góp ý về đề xuất này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, đề xuất là chưa thống nhất với quy định tại pháp luật về giá, không hợp lý với thực tế và không có tính khả thi.

Cụ thể, theo pháp luật về giá, mặt hàng trang thiết bị y tế thuộc diện niêm yết giá, tức là công khai giá bán để khách hàng nhận biết. Việc này đã được thực hiện qua các cổng thông tin công khai giá bán và giá trúng thầu trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, pháp luật về giá không có quy định cho phép cơ quan nhà nước đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải công khai giá vốn của sản phẩm.

Trên thực tế, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc kê khai giá vốn trang thiết bị y tế. Trong đó, một số nội dung như: chi phí chung, lợi nhuận dự kiến, giá vốn sản xuất… rất khó xác định chính xác và không có công thức chuẩn xác. Việc này dẫn đến doanh nghiệp sẽ không biết công khai mức như thế nào cho đúng.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp với VCCI, việc kê khai các nội dung này rất phức tạp và có nhiều cách hiểu khác nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, chi phí sản xuất, kinh doanh (nói chung) là bí mật của doanh nghiệp trong việc cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Việc công khai giá vốn của sản phẩm sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung.

Việc công khai giá CIF và chi phí sản xuất sẽ tạo ra sự so sánh không công bằng giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể kinh doanh nhiều mặt hàng, nhưng có thể chỉ một số là có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với đối thủ do tìm được nguồn hàng tốt, ưu đãi riêng từ đơn vị xuất khẩu, nhập khẩu song song…. Còn các mặt hàng khác kém, hoặc không có lợi thế cạnh tranh (nhưng vẫn cần để duy trì đơn hàng với khách). Việc công khai chi phí giá CIF và chi phí sản xuất như vậy có thể dẫn đến tình trạng so sánh không công bằng, trung thực, tập trung vào một số mặt hàng, từ đó ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Trong số các nội dung dự kiến yêu cầu doanh nghiệp phải công khai, một số nội dung dễ dàng thay đổi như: giá CIF, giá vốn sản xuất, các khoản thuế phí, chi phí. Việc này khiến doanh nghiệp phải liên tục cập nhật để phù hợp với giá cả thực tế, từ đó tăng thêm gánh nặng thực thi và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng hiện nay khi các đơn vị, cơ sở y tế gặp khó khăn trong việc xác định mức giá phù hợp khi thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải công khai giá CIF, giá vốn sản xuất như vậy, VCCI đề xuất một số giải pháp khác hữu hiệu, khả thi và phù hợp với thực tế hơn.

Khi giá mặt hàng đó có biến động bất thường, theo VCCI, Điều 26 Luật Giá cho phép cơ quan nhà nước kiểm tra yếu tố hình thành giá (với các thông tin về giá tương tự như đề xuất của Bộ Y tế). Việc kiểm tra yếu tố hình thành giá sẽ đảm bảo khả năng kiểm soát của Nhà nước với giá cả mặt hàng đó, mà vẫn giữ được bí mật cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, trong quá trình thương thảo hợp đồng mua sắm thiết bị, đơn vị mua sắm, cơ sở y tế hoàn toàn có quyền yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin, trong đó có giá CIF. Việc này sẽ giúp cơ sở y tế có thêm thông tin trong việc tiến hành hoàn tất việc mua sắm.

Đồng thuận với quan điểm này, một số doanh nghiệp chia sẻ với Báo Đấu thầu rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp công khai giá vốn của trang thiết bị y tế là phi thị trường, giảm lợi thế cạnh tranh với các đối thủ, ảnh hưởng tới tỷ suất lợi nhuận do bị các bên ép giá. Quy định như thế cũng sẽ giết chết ngành công nghiệp sản xuất trang thiết bị trong nước.

Để khắc phục được những bất cập trong việc mua sắm trang thiết bị y tế hiện nay, đại diện một doanh nghiệp đề xuất làm sao giải quyết được triệt để tình trạng cài cắm thông số kỹ thuật, thông đồng trong thẩm định giá, đưa ra các tiêu chí hạn chế cạnh tranh…

Tin cùng chuyên mục