Cổ phần hóa DNNN: Trắc trở nhưng không lùi bước (Kỳ 4)

(BĐT) - Dự kiến ngày 16/10/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nhân dịp này, Báo Đấu thầu đăng tải loạt bài viết nhìn lại quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với những thành công cũng như bất cập trên chặng đường đã qua. Chặng đường tiếp theo đòi hỏi những chuyển động và sự kết nối nhịp nhàng giữa các chủ thể tham gia, đặc biệt là trong một hành lang pháp lý đủ “cứng” để đạt mục tiêu đề ra.
Hàng chục ngàn mét vuông đất đã được chuyển đổi hoặc bổ sung mục đích sử dụng không đúng phương án được phê duyệt trong cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2013 – 2017. Ảnh: Song Lê
Hàng chục ngàn mét vuông đất đã được chuyển đổi hoặc bổ sung mục đích sử dụng không đúng phương án được phê duyệt trong cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2013 – 2017. Ảnh: Song Lê

KỲ 4: VẮNG GIÁM SÁT THỰC THI

Một chữ ký có tính quyết định sẽ là kết quả của quá trình cân nhắc và tính toán thận trọng, cùng nỗi sợ phải chịu trách nhiệm khi làm sai. Thế nhưng, rất nhiều sai phạm trong xử lý đất đai và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn lọt qua khâu giám sát.

Tuỳ tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Hàng chục nghìn mét vuông đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc bổ sung mục đích sử dụng không đúng phương án được phê duyệt mà không bị soi xét, ngăn chặn trong nhiều năm qua. Những vi phạm này được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ rõ tại một số cuộc kiểm toán chuyên đề.

Kết quả của KTNN về kiểm toán Chuyên đề việc xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc quản lý của UBND TP. Hà Nội giai đoạn 2013 - 2017 nêu rõ: “UBND Thành phố cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bổ sung mục đích sử dụng đất không đúng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá tại khu đất 38.155,9 m2 tại 423 Minh Khai của Công ty CP Dệt Minh Khai; khu đất 2.746,9 m2 tại 358 đường Láng của Công ty CP Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế; khu đất 2.001 m2 số X3 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội của Công ty TNHH MTV 19/12 Hà Nội”.

Tại Đà Nẵng, Báo cáo kiểm toán “Việc quản lý và sử dụng đất trong và sau cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2017 trên địa bàn TP. Đà Nẵng” của KTNN khu vực III cũng chỉ ra những vi phạm tương tự.

Điển hình là vụ việc tại Công ty CP Lương thực Đà Nẵng. Sau cổ phần hóa, 8 thửa đất hơn 7.940 m2 được UBND TP. Đà Nẵng giao cho DN này quản lý, sử dụng đã được DN này chuyển từ thuê đất sản xuất kinh doanh sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, đồng thời chuyển mục đích từ thuê đất sản xuất kinh doanh sang đất ở đô thị sử dụng lâu dài. DN đã thực hiện trót lọt việc này mặc dù không hề có dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê. Theo KTNN, trường hợp này không thuộc diện được giao đất ở lâu dài và không đúng quy định về thời hạn giao đất theo Luật Đất đai 2003.

Về việc thiếu vắng sự giám sát khi xử lý vấn đề đất đai trong cổ phần hóa DNNN, GS. TS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - nhận xét: “Chuyển đổi mục đích hoặc bổ sung mục đích sử dụng đất không đúng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và phương án cổ phần hóa là chuyện đã từng xảy ra mà dường như không ai nhắc nhở, giám sát. Điều này nhắm đến việc trục lợi từ đất đai thay vì muốn tái cơ cấu DN”. 

Những giao dịch lặng lẽ

Việc cổ phần hóa tại Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam (VIVASO) với 10 DNNN cùng hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản mà chỉ định giá 327 tỷ đồng, tương đương 1 căn nhà tại phố cổ Hà Nội. Đáng chú ý, những người liên quan còn không tiếp cận nổi các tài liệu về cổ phần hóa. Công ty CP Hàng hóa Nội Bài (thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam) cổ phần hóa lúc nào mà người của Công ty không biết, lãnh đạo cũng ngỡ ngàng. Đây là hai trường hợp được đại biểu Quốc hội chỉ đích danh tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5/2018 cho thấy quá trình bán vốn nhà nước lần đầu tại các DN này dường như bị “giấu nhẹm” và không cơ quan giám sát nào đòi hỏi công khai.

Không chỉ vậy, có trường hợp bán lén cổ phần nhà nước trước khi chuyển về cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng được thực hiện trót lọt. Báo cáo của KTNN về kiểm toán Chuyên đề việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 đã chỉ rõ tên Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (GELEX). Cụ thể, công ty này đã không bàn giao vốn nhà nước về SCIC, mà phát hành thêm cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ từ 1.400 tỷ đồng lên 1.550 tỷ đồng, làm giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 87,17% xuống 78,74% vốn điều lệ.

Trên thực tế còn có hiện tượng là, sau cổ phần hóa, nhiều DN không chịu quyết toán cổ phần hoá hoặc trốn niêm yết, kết quả là tính công khai và minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp không được đảm bảo. “Sau cổ phần hóa, DN chậm niêm yết và dẫn đến trường hợp tư nhân thâu tóm toàn bộ DN mà không ai biết. Trong khi đó, nếu DN đã lên sàn, giá thoái vốn ở đợt tiếp theo sẽ được tham chiếu bởi giá thị trường, nhiều thông tin được công bố rõ ràng, kể cả việc thâu tóm cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, việc chậm quyết toán dẫn đến tình trạng giá trị phần vốn nhà nước sau cổ phần hoá thay đổi, từ đó, ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của cổ đông. Mặt khác, việc chậm trễ này còn có thể làm che mờ các sai phạm của DN, làm cho sai phạm càng trầm trọng thêm”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính phân tích.

Theo vị Cục trưởng này, việc giám sát cần được thực hiện trong cả giai đoạn trước, trong và sau cổ phần hóa. Trước khi bán vốn nhà nước, cần chú trọng giám sát khâu sắp xếp nhà, đất; việc xử lý công nợ, tài sản tồn đọng. Trong cổ phần hoá, cần giám sát tính công khai minh bạch thông tin, công bố cáo bạch, tiến độ thực hiện. Sau khi DN đã chuyển thành công ty cổ phần, cần giám sát việc tuân thủ phương án sử dụng đất đai theo phương án đã được phê duyệt, tiến độ quyết toán cổ phần hoá, việc thực hiện niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, GS. TS. Đặng Hùng Võ nêu quan điểm: “Chuyện mua, bán DN cần được công khai là đương nhiên. Tuy nhiên, người dân cũng muốn biết và có quyền được biết là có bao nhiêu DN đã cổ phần hóa thực sự, các DN sống chết ra sao sau cổ phần hóa. Thế nhưng, chưa hề có một báo cáo cụ thể chính xác được công bố. Đây cũng là việc cần làm và công khai sau một chặng đường cổ phần hoá gần 3 thập kỷ qua”.

Đến nay, sau những sai phạm đã xảy ra và một số cá nhân, tổ chức có thể sẽ phải chịu trách nhiệm, hẳn không tránh khỏi tình trạng “ngại” làm để tránh sai. Tuy nhiên, “chuyến tàu” cổ phần hóa không thể dừng lại, cũng không thể chậm chạp kiểu buông xuôi. Nhanh và không sai là yêu cầu của Chính phủ trong giai đoạn tới. Mời đón đọc Kỳ 5: “Để cổ phần hoá tiến chắc và nhanh”.

Tin cùng chuyên mục