Chỉ số VN30-Index chiều nay khá đuối. |
Chỉ số đại diện nhóm blue-chips VN30 kết phiên hôm nay trong sắc đỏ, mức giảm chưa nhiều nhưng độ rộng khá hẹp. Duy nhất chỉ số Smallcap tăng tưng bừng 1,49% với 19 mã trong rổ này kịch trần.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn đang dẫn đầu thị trường về mức sinh lời, đà tăng trái ngược với tất cả các chỉ số nhóm vốn hóa khác, càng về cuối phiên tăng càng khỏe. Chỉ trong 6 phiên gần nhất Smallcap-Index đã tăng 8,5%.
Hôm nay hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại đều yếu. Midcap tăng nhẹ 0,24% và độ rộng không còn quá chênh lệch, với 36 mã tăng/30 mã giảm. VN30 giảm 0,12% với 10 mã tăng/15 mã giảm.
Cổ phiếu vốn hóa nhỏ vẫn thu hút dòng tiền rất tốt dù thanh khoản tín chung cả rổ giảm nhẹ hơn 2% so với hôm qua, đạt 3.985,1 tỷ đồng. Tuy vậy nhiều cổ phiếu vẫn có thanh khoản rất cao và mất thanh khoản ở giá kịch trần.
Trong 13 cổ phiếu tăng hết biên độ trong rổ Smallcap, có 4 mã đạt giá trị khớp lệnh vượt 100 tỷ đồng là HAH (257,6 tỷ), KSB (223,5 tỷ), LCG (218,3 tỷ), BCG (152 tỷ).
Ngoài ra, rổ này cũng có khá nhiều cổ phiếu đạt thanh khoản cao và giá tăng mạnh: NKG tăng giá 2,6%, thanh khoản 396,8 tỷ; IJC tăng 0,88%, thanh khoản 225,3 tỷ; FRT tăng 2,67%, thanh khoản 128,5 tỷ; CTS tăng 3,23%, thanh khoản 81,3 tỷ, BFC tăng 2,88%, thanh khoản 75,8 tỷ đồng... Mức thanh khoản này không hề kém các mã midcap, thậm chí như NKG lọt top 10 thị trường, sánh ngang với các blue-chips.
Điểm nhấn nữa là thị phần chung của rổ Smallcap tăng thêm, hôm nay chiếm 19,1% tổng giá trị khớp của sàn HoSE, tiếp tục lập kỷ lục mới. Tuần trước trung bình thị phần của rổ chỉ khoảng 14,4%/phiên. Như vậy mức gia tăng thị phần đang có tốc độ rất nhanh, xác nhận dòng tiền đổ vào nhóm này ngày một nhiều.
Trong khi các mã vốn hóa nhỏ đang tăng tưng bừng, midcap và Vn30 lại yếu. Thực ra các chỉ số cũng không đại diện hết cả rổ, Midcap-Index tăng nhẹ 0,24% nhưng cũng có một số mã khỏe như ASM kịch trần với thanh khoản 241,2 tỷ; DPM tăng 1,9%, thanh khoản 321,5 tỷ; DIG tăng 2,15%, thanh khoản 316,5 tỷ; GMD tăng 2,71%, thanh khoản 305 tỷ...
Riêng nhóm Vn30 dường như yếu rõ nhất. Rổ này có độ rộng nghiêng hẳn về phía giảm và trụ khỏe nhất của chỉ số là VNM chỉ tăng 0,8%. Một số mã trung bình tăng tốt thì vốn hóa hạn chế: VRE tăng 2,2%, POW tăng 5,06%, PLX tăng 2,21%, GVR tăng 3,48%.
Chỉ số VN-Index có lợi thế ở mức tăng của GVR. Cổ phiếu này khá lớn trong chỉ số này nhưng lại rất bé trong VN30-Index. Nhờ đó chỉ số chính chốt phiên tăng 0,24% hay 3,18 điểm so với tham chiếu. Riêng GVR đã góp 1,5 điểm.
Nhóm blue-chips đã không đóng vai trò dẫn dắt hôm nay mà chỉ cố gắng ổn định chỉ số. Buổi chiều VN-Index lại có thêm một nhịp lao dốc nữa, lần này khá mạnh do từ đỉnh cao, mức trượt giảm khoảng 0,7%. VN30 cũng tạo đáy của phiên trong buổi chiều, giảm 0,39% so với tham chiếu.
Nhiều cổ phiếu lớn sụt giảm kéo các chỉ số xuống đáy: VCB, VIC thậm chí cả GVR cùng có nhịp trượt một thời điểm. Nhóm ngân hàng đã không thể phục hồi được về cuối phiên. Duy nhất CTG tăng 0,79%, TPB tăng 0,29%, BID tăng 0,13%. Nhóm ngân hàng blue-chips còn lại giảm là HDB giảm 1,16%, STB giảm 0,55%, TCB giảm 0,41%, VPB giảm 0,16%. Nhóm ngân hàng nhỏ giảm trên 1% là PGB, NAB, ABB, VAB, HDB, VBB, EIB, LPB, NVB, BVB, SHB.
Thanh khoản của rổ VN30 chiều nay tiếp tục phụ thuộc vào giao dịch của VHM. Cổ phiếu này khớp thêm 819,6 tỷ đồng nữa, chiếm 20,8% giao dịch cả rổ phiên chiều (3.937,5 tỷ đồng). Nhờ VHM, giao dịch của nhóm VN30 phiên này tăng cả phiên 8,8% so với hôm qua, nhưng VHM chiếm 27,3%.
Khối ngoại phiên chiều tăng bán MSN, nâng tổng giá trị rút vốn ròng lên xấp xỉ 301 tỷ đồng. VHM bị bán thêm một chút, giá trị ròng cả phiên là 286 tỷ. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND bị rút ròng 215,9 tỷ. Phía mua có CTG được giải ngân thêm, mức ròng đạt 217 tỷ. Tính chung khối ngoại vẫn bán ròng 630 tỷ đồng trên sàn HoSE. HNX bị bán ròng 16,5 tỷ đồng.