Công bố Top 10 công ty dược Việt Nam uy tín năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Bảng xếp hạng Top 10 công ty dược Việt Nam uy tín năm 2023. Theo Vietnam Report, ngành dược được đánh giá là một trong những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh tăng trưởng kinh tế chậm và dự báo sẽ phục hồi vào quý IV/2024, trước nhịp phục hồi của nền kinh tế.

ETC sôi động hơn nhờ cơ chế đấu thầu thuốc được nới lỏng và thông thoáng hơn

Theo Vietnam Report, nhìn lại chặng đường từ đầu năm đến nay, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh đầy khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, sức cầu thấp trên diện rộng đã khiến đà tăng trưởng của ngành dược giảm tốc trong quý III và chứng kiến lợi nhuận phân hóa giữa các doanh nghiệp. So với kết quả khảo sát của Vietnam Report cách đây một năm, tỷ lệ số doanh nghiệp ngành dược tăng trưởng về doanh thu có sự sụt giảm, trong khi ở chiều ngược lại, 26,3% số doanh nghiệp trong ngành ghi nhận doanh thu kém hơn cùng kỳ (tăng 12,0% so với năm 2022). Tuy nhiên, xét chung 10 tháng đầu năm 2023, "gam màu" tích cực vẫn đóng vai trò chủ đạo trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, với đa số doanh nghiệp dược ổn định và duy trì nhịp tăng trưởng về doanh thu (73,7% số doanh nghiệp) và về lợi nhuận (78,9% số doanh nghiệp).

“Nhìn chung, với vị thế là một ngành thiết yếu, ít chịu ảnh hưởng từ những “rung lắc” của thị trường và sự suy giảm của kinh tế, trong bối cảnh ảm đạm của đa số lĩnh vực từ đầu năm đến nay, ngành dược dù không hoàn toàn “miễn dịch”, song vẫn là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh”, Vietnam Report đánh giá.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau 10 tháng đầu năm 2023, tình hình chung của kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện (ETC - thuốc có kê đơn) chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt. Trong đó, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của kênh này đến từ việc các quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện đã được nới lỏng và thông thoáng hơn.

Điển hình là Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 tạo điều kiện cho các bệnh viện công tự chủ về nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu khám bệnh, khắc phục tình trạng ùn tắc tại bệnh viện, bệnh nhân phải chờ đợi do cơ sở y tế thiếu máy móc, thiết bị. Nhờ vậy, lưu lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh tại bệnh viện gia tăng, thúc đẩy tiêu thụ sản lượng thuốc trên kênh ETC. Bên cạnh đó, việc gia hạn số đăng ký thuốc (Nghị quyết 80/2023/QH15) có hiệu lực từ tháng 1/2023, Thông tư số 06/2023/TTBYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, tháo gỡ các khó khăn liên quan đến đấu thầu thuốc, giá thuốc có hiệu lực kể từ ngày 27/4/2023 hay Nghị định số 07 và Nghị quyết số 30 ban hành vào tháng 3 của Chính phủ đã giải quyết phần nào những khó khăn trước mắt cho bệnh viện và doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, đặc biệt là việc tổ chức mua sắm đấu thầu và gia hạn giấy lưu hành thuốc. Qua đó giúp hoạt động đấu thầu thuốc ETC sôi động hơn trong những tháng cuối quý II, lượng hàng cung cấp có dấu hiệu cải thiện và tương đối đầy đủ tại các bệnh viện, thuốc ngoại được nhập về nhiều hơn so với trước đây.

Trong khi đó, theo nhận định của phần lớn chuyên gia ngành dược chia sẻ với Vietnam Report, tình hình kinh doanh ở mảng OTC (thuốc không kê đơn) có dấu hiệu đi ngang, thậm chí suy giảm nhẹ và đang trong giai đoạn “vàng thau lẫn lộn”…

Ngành dược nhiều khả năng sẽ phục hồi trước nhịp phục hồi của nền kinh tế

Điểm lại những khó khăn từ đầu năm đến nay, Vietnam Report chỉ ra Top 5 khó khăn lớn nhất theo đánh giá của các doanh nghiệp dược bao gồm: kinh tế tăng trưởng chậm; cầu tiêu dùng yếu; biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; sức ép từ tỷ giá gia tăng.

Trên thực tế, theo đánh giá của Vietnam Report, thị trường dược Việt Nam còn thiếu tính ổn định, do nguyên liệu sản xuất phụ thuộc tới 90% vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Sự phụ thuộc này khiến ngành dược nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá, giá nhập khẩu hay những cú sốc về nguồn hàng. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung sản xuất các loại thuốc phổ biến trên thị trường, trong khi đó các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng. Các công ty dược trong nước hiện nay chủ yếu tập trung sản xuất các loại thuốc generic có giá trị thấp, giá rẻ, khả năng cạnh tranh kém, dẫn đến tình trạng vừa phải cạnh tranh với các loại thuốc generic nhập khẩu, vừa cạnh tranh nội bộ ngành. Do đó, tồn tại tình trạng sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report, trong những tháng còn lại năm 2023, ngành dược vẫn đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là kênh OTC sẽ gặp nhiều rào cản trong việc duy trì tăng trưởng do tình hình phục hồi kinh tế vẫn chậm và chưa thể cải thiện trong ngắn hạn.

Theo dự báo của Tổ chức IQVIA, ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu khoảng 8% trong giai đoạn 2019 - 2023.

Mặc dù đưa ra lưu ý cần theo dõi sát sao tốc độ chuyển trạng thái của nền kinh tế và nguy cơ gia tăng chi phí đầu vào do diễn biến của các cuộc xung đột trên thế giới, song nhìn chung, đa số doanh nghiệp vẫn đưa ra góc nhìn lạc quan về triển vọng của cả bản thân doanh nghiệp, ngành và nền kinh tế trong năm 2024. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, ngành dược nhiều khả năng sẽ phục hồi trước nhịp phục hồi của nền kinh tế và tình hình sẽ có những cải thiện đáng kể trong quý IV năm sau.

Về tầm nhìn dài hạn, Việt Nam được các tổ chức đánh giá là một trong những thị trường “dược phẩm mới nổi” - một nhóm các quốc gia có tỷ lệ thâm nhập dược phẩm tương đối thấp và tiềm năng tăng trưởng cao. Với dư địa phát triển lớn, ngành dược đang đón nhận những cơ hội quan trọng để thay đổi toàn diện và bứt phá trở thành một trong những trụ cột kinh tế. Trong đó, một số điểm sáng để kỳ vọng được chỉ ra như: quy mô dân số lớn, tốc độ già hóa nhanh, mức sống và trình độ dân trí ngày càng cải thiện; cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; các chính sách của Chính phủ và sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành.

Tin cùng chuyên mục