Ảnh minh họa: Tường Lâm |
Chia sẻ gánh nặng chi phí gia tăng
“Làm thế nào để hoạt động đầu tư PPP có hiệu quả?” là vấn đề ông Tony Foster, Trưởng nhóm Nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Diễn đàn. Theo ông Tony Foster, mục đích của hình thức hợp tác này là để chia sẻ gánh nặng chi phí đầu tư giữa khu vực nhà nước với khu vực tư nhân khi khoản chi phí này ngày càng gia tăng. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật PPP. Hy vọng rằng Luật PPP sẽ mang đến nhiều hơn các dự án PPP thực sự thành công.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ, cộng đồng DN đang rất kỳ vọng vào việc ban hành Luật PPP nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Theo ông Lộc, huy động nguồn lực xã hội vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước là hướng đi rất quan trọng, song rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, PPP sẽ là giải pháp thúc đẩy sự tham gia và đóng góp của cộng đồng DN trong và ngoài nước.
Về tình hình đầu tư PPP hiện nay, thông tin tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 30/10/2018, cả nước có 289 dự án PPP được thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 54 tỷ USD, trong đó có 207 dự án giao thông, 18 dự án năng lượng, 10 dự án hạ tầng… Về loại hợp đồng, trong số 289 dự án trên, có 141 dự án BOT, 140 dự án BT, 5 dự án BOO…
Sẵn sàng lắng nghe để hoàn thiện dự thảo Luật PPP
Theo ông Nguyễn Đăng Trương, ngày 10/5/2018, Chính phủ đã có Nghị quyết số 54/NQ-CP thông qua các chính sách của đề nghị xây dựng Dự án Luật PPP và dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Nhằm hoàn thiện dự thảo Luật PPP, Nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF cho rằng, Luật PPP nên có một cách tiếp cận khác. Cụ thể là Luật PPP nên xem xét các dự án PPP từ góc nhìn thị trường và thương mại, thay vì góc nhìn của dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân truyền thống. Luật có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra các tiêu chí mong muốn và cam kết sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nhà đầu tư tham gia đấu thầu được tự do cơ cấu dự án theo cách thức tốt nhất để đạt hiệu quả mong muốn và tuân thủ pháp luật hiện hành.
Đối với vấn đề bù đắp thiếu hụt tài chính - một trong những khó khăn lớn nhất mà các dự án PPP gặp phải, Nhóm công tác đề xuất, Luật PPP nên làm rõ các vấn đề liên quan đến các bảo đảm và bảo lãnh đối với dự án cũng như các nguyên tắc về chuẩn bị và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ bù đắp tài chính cho dự án.
Đại diện cộng đồng DN Nhật Bản, ông Koji Ito, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho rằng, mấy năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có một số biện pháp thắt chặt vay vốn do nợ công trên GDP hiện đã gần chạm mức trần 65% đề ra. Tuy nhiên, phát triển kết cấu hạ tầng là một yêu cầu quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế về dài hạn của Việt Nam. “Áp dụng linh hoạt các cơ chế PPP chắc chắn là một trong những cách hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu này”, ông Koji Ito đề xuất.
Theo đại diện JCCI, trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP về PPP cũng có những khía cạnh tích cực như tinh giản thủ tục hành chính cho các dự án PPP. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là "sự đảm bảo của Chính phủ" đối với việc chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư vẫn chưa được sửa đổi. Do vậy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để công nhận các phương thức huy động vốn khác nhau của DN tư nhân và "sự bảo đảm của Chính phủ" có thể giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, để xây dựng dự thảo Luật PPP hiệu quả và để Luật thực sự đi vào cuộc sống cần phải tham vấn ý kiến của nhiều bên liên quan, nhất là cộng đồng DN quốc tế. Chúng ta cần hướng Luật đến mục tiêu quan trọng nhất là hài hòa hợp tác công tư và huy động được thêm nhiều nguồn vốn cho phát triển, nhất là khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Và khâu hướng dẫn thực hiện phải nhanh và nhất quán.
Đại diện cơ quan được giao xây dựng Luật, ông Nguyễn Đăng Trương khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe kinh nghiệm của các nhà tài trợ, đối tác phát triển và các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Luật”.