Cộng hưởng nguồn lực cho phục hồi, phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2022 đã được Quốc hội thông qua khoảng 6 - 6,5%. Bên cạnh thách thức, có không ít cơ hội để đạt được mục tiêu này, trong đó việc triển khai nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đóng vai trò then chốt.
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 6 - 6,5%. Ảnh: Lê Tiên
Chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 6 - 6,5%. Ảnh: Lê Tiên

Sau một năm 2021 phục hồi khá mạnh mẽ, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở Mỹ, khu vực đồng Euro và Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng mức nợ cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và các biến thể Covid-19 mới đe dọa sự phục hồi ở các nền kinh tế đang phát triển.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dù có nhiều thách thức nhưng trong nguy luôn có cơ. Hiện có sự đồng tâm, đồng thuận, đồng lòng cao hơn trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy phục hồi tăng trưởng nhanh hơn, triển khai các chính sách phục hồi sẽ thuận lợi, nhanh chóng hơn vì niềm tin nhận thức là rất quan trọng. Ngoài ra, sau năm 2021, Việt Nam được đánh giá là điểm đến tốt, năm 2022 sẽ thúc đẩy đầu tư nhanh hơn. Trong nước, một bộ phận doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tái cơ cấu, dư địa cho nhiều doanh nghiệp khác khởi tạo trong các ngành nghề mới. Việc chuyển hướng về chuyển đổi số, thương mại điện tử chắc chắn sẽ có đà để năm 2022 thúc đẩy nhiều hơn…

Các giải pháp đã đưa ra, việc triển khai nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Ngày 12/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 126/CĐ-TTg về việc đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trước đó ngày 30/1/2022 và ngày 11/2/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương, địa phương về việc đôn đốc triển khai nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và bổ sung dự toán ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển. Sau khi Thủ tướng ban hành Công điện 126, ngày 14/2/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có văn bản đôn đốc thực hiện nhiệm vụ này.

Ông Cao Viết Sinh cho rằng, đà phục hồi đạt được từ cuối năm 2021 sẽ giúp nền kinh tế năm nay phục hồi tốt hơn, nhất là khi độ phủ tiêm phòng vaccine đã rộng hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra cũng là cơ hội nới đầu tư, tiền tệ trong năm 2022 cùng với vấn đề kiểm soát nợ xấu. Nếu vừa sử dụng linh hoạt chính sách tiền tệ, vừa kiểm soát lạm phát, vừa bảo đảm cho phục hồi kinh tế cùng với những chính sách mới của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Theo TS. Cao Viết Sinh, việc mở lại đường bay du lịch quốc tế sẽ là cơ hội để thúc đẩy du lịch và các hoạt động dịch vụ phát triển mạnh hơn rất nhiều so với năm 2021, đóng góp cho tăng trưởng của năm 2022 vì dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP. Bên cạnh đó, khả năng tăng quy mô đầu tư trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ kích thích các dự án đầu tư. Năm 2021 nếu đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục thì ngay đầu năm 2022 sẽ có thể khởi công hàng loạt, đầu tư sôi động hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Cùng với đó, nếu thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đưa ra, nếu tốt nữa còn có thể vượt mục tiêu.

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò tiếp tục mở rộng đầu tư, triển khai nhanh dự án trọng điểm; thúc đẩy cầu trong nước; phục hồi các chuỗi cung ứng thu hút thêm các dòng vốn bên ngoài, các nhà đầu tư chiến lược… Song song với đó, vẫn phải thực hiện quyết liệt hơn các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, thuận lợi hơn trong đổi mới sáng tạo, tập trung vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy tăng trưởng dài hơi.

Tới thăm, động viên cán bộ, viên chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần ngày 10/2/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý phải xác định năm 2022 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là khó khăn hơn, yêu cầu cao hơn năm 2021, để từ đó chuẩn bị tâm thế, năng lượng, hành trình thực hiện, sao cho không bị động, bất ngờ. Phải làm sao vừa tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, vừa thực hiện công việc đột xuất là chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, với tổng huy động 350 nghìn tỷ đồng xác định đi vào đâu, đi như thế nào cho hiệu quả là bài toán khó...