Công nghiệp hỗ trợ ngành da giày hướng tới mục tiêu đáp ứng được 70-80% nhu cầu trong nước

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đặt mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp vàtập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Công nghiệp hỗ trợ ngành da giày hướng tới mục tiêu đáp ứng được 70-80% nhu cầu trong nước

Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành da giày, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Tương tự như những ngành công nghiệp khác, trong năm 2020, ngành da - giày cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19, nhất là khi các nước là thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày như Mỹ và EU. Thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam. Bước sang năm 2021, ngành da - giày có tín hiệu phục hồi vào những tháng đầu năm thế nhưng rất nhanh, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm sản lượng, tạm ngưng sản xuất trong khi chi phí tăng cao, nguồn lao động không đảm bảo.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11 năm 2021, việc phục hồi sản xuất trong điều kiện "bình thường mới" đã góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu da - giày đạt 17,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, với các lợi thế truyền thông về nhân công, môi trường chính trị và việc Việt Nam tham gia vào sân chơi toàn cầu, tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã góp phần tích cực mang lại ưu thế lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đón nhận được nhiều đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác. Nhờ đó đã góp phần tích cực thúc đẩy Việt Nam đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu da - giày năm 2021 đạt 20 tỷ USD.

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép của nước ta tăng gần như liên tục qua các năm, chỉ bị giảm trong năm 2009 (do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu) và năm 2020 (do tác động của đại dịch Covid-19), nhưng năm 2021 đã tăng trở lại. Kim ngạch xuất khẩu giày dép năm 2021 cao gấp 2.164,8 lần năm 1986.

Từ năm 1998, giày dép đã tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và nhanh chóng “ghi danh” trong nhóm có kim ngạch cao. Kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt trên 2 tỷ USD vào năm 2003, trên 5 tỷ USD vào năm 2010, trên 10 tỷ USD vào năm 2014, trên 17,7 tỷ USD.

Giày dép của Việt Nam có thị trường rộng lớn, đã hiện diện ở 44 thị trường chủ yếu, trong đó, năm 2021, có hơn 20 thị trường đạt giá trị xuất khẩu trên 100 triệu USD, như Mỹ, Trung Quốc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc... Hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang 36/44 thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, Mỹ, Bỉ, Đức... là những thị trường có mức tăng khá.

Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 vừa được công bố, lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu với khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020, đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu da giày. Đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu da giày là Trung Quốc, với 7,4 tỷ đôi giày xuất khẩu trong năm 2020. Sau Việt Nam, Indonesia đứng ở vị trí thứ ba, tiếp đến là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ.

Kỳ vọng năm 2022

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Ngành giày dép thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế nguồn lao động đông đảo, giá nhân công rẻ so với các nước trong khu vực.

Ngành da giày tuy chỉ chiếm 0,4% tổng số doanh nghiệp, 0,8% vốn sản xuất - kinh doanh, 1% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, nhưng chiếm tỷ trọng cao hơn về doanh thu (1,6%), lợi nhuận trước thuế (1,8%). Sự phát triển của ngành da giày đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành cũng tranh thủ mở rộng sang các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 5,288 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Đến nay, nước ta đã tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19 ở mức cao (thuộc top đầu thế giới), nên hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu giày dép nói riêng có thêm trợ lực để tăng trưởng xuất khẩu. Ngành da giày đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỷ USD trong năm 2022, tăng 12,7% so với năm 2021.

Để đạt được mục tiêu này, theo chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, một số khâu công việc vẫn phải thuê lao động kỹ thuật cao của nước ngoài. Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Brazil, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... giảm so với cùng kỳ năm trước, cần lưu ý để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm này.

Tin cùng chuyên mục