Công nghiệp và thương mại nỗ lực vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kể từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, nhất là ở một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Bằng những giải pháp quyết liệt trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển sản xuất, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp và thương mại vẫn tăng trưởng tích cực.
Trong 5 tháng qua có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi
Trong 5 tháng qua có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD. Ảnh: Nhã Chi

Tín hiệu khả quan

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 5, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020 mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cụ thể, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái; ngành sản xuất và phân phối điện tăng lần lượt 2,2% và 12%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,1% và tăng 6,8%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, IIP toàn ngành tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng mạnh nhất là chế biến, chế tạo với mức tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; tiếp đó là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung…

Với kết quả tích cực này, tại Tọa đàm “Vượt khó phát triển” được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là những tín hiệu tích cực để chúng ta kỳ vọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp trong quý II cũng như thời gian tới.

Về xuất khẩu (XK), kim ngạch XK hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK của khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8% tổng kim ngạch XK.

Trong 5 tháng qua có 22 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch XK. Trong đó, 6 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 5 tỷ USD (chiếm 63,8%) là điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ. Cùng với đó, thị trường XK hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 tiếp tục rộng mở, đa dạng.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin thêm, dự kiến tháng 7 tới, Liên minh châu Âu cho phép di chuyển nội khối và mở cửa thị trường. Khi đó, nhu cầu hàng hóa của khu vực sẽ tăng, cơ hội cho XK vào thị trường này cũng sẽ lớn hơn. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là làm sao tổ chức sản xuất an toàn để thúc đẩy XK sang thị trường lớn này.

Không để “đứt gãy” chuỗi sản xuất, tiêu thụ

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng dịch Covid-19, ổn định tình hình và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chiến lược vaccine tổng thể, toàn diện, hiệu quả; chú trọng công tác phòng, chống từ xa, từ sớm, từ trước khi có dịch; bảo đảm phương châm “5k + vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch…

Trước đó ít ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc mua vaccine phòng Covid-19 nhằm giảm thiểu các tác động của đại dịch đến nền kinh tế.

Với việc triển khai hàng loạt giải pháp tổng thể, đến nay, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang phải tạm dừng sản xuất trước đó do có người lao động bị nhiễm Covid-19 đã hoạt động trở lại. Tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các doanh nghiệp bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để phòng dịch và không gián đoạn sản xuất...

Thực tế cho thấy, đây cũng là lúc nền kinh tế Việt Nam thử nghiệm những phương thức mới. Khó khăn nhiều, song không phải không có cách vượt qua. Với ngành nông nghiệp, nếu như năm trước còn lúng túng trong tiêu thụ nông sản khi dịch bệnh xuất hiện thì đến nay đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để thích nghi mới tình hình mới.

Số liệu về XK nông sản vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cho thấy, trong tháng 5, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 40,2% so với tháng 5/2020 và tăng 1,3% so với tháng 4/2021… Tính chung 5 tháng, kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục