Công ty BOT cầu Thái Hà hoàn tất thủ tục khởi kiện Cục Đường bộ Việt Nam: Quyết đòi lại sự công bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP BOT cầu Thái Hà và Công ty Luật TNHH Bizconsult đang hoàn tất thủ tục để khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình về việc Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận cấp phép và Khu Quản lý đường bộ I cấp phép thi công xây dựng nút giao đấu nối tạm thời có thời hạn 12 tháng vào đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km1+240/phải tuyến dự án BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B.
Thi công xây dựng nút giao đấu nối tạm thời có thời hạn 12 tháng tại Km1+240/phải tuyến dự án BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B
Thi công xây dựng nút giao đấu nối tạm thời có thời hạn 12 tháng tại Km1+240/phải tuyến dự án BOT cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Ngô Tiến Cương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Thái Hà (doanh nghiệp dự án) cho biết, trong quá trình vận hành, khai thác, đã có nhiều công trình dự án khác tự ý đấu nối trái phép vào tuyến đường BOT cầu Thái Hà, gây nên tình trạng xuống cấp, sụt lún, hư hỏng và Công ty phải bỏ chi phí để khắc phục, sửa chữa.

Cụ thể, ngày 31/5/2021, Cục Quản lý đường bộ 1 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối tạm thời đường nhánh vào tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km31+00 của Dự án BOT cầu Thái Hà mà không có sự bàn bạc, thỏa thuận với doanh nghiệp dự án. Công trình này được sử dụng để phục vụ xây dựng Khu công nghiệp Thái Hà. Đến nay, Khu công nghiệp Thái Hà đã hoàn thành và cho thuê mặt bằng. Gần 3 năm qua, Công ty CP BOT cầu Thái Hà đã nhiều lần gửi văn bản đến các cơ quan chức năng về tình trạng đấu nối trái phép của Khu công nghiệp Thái Hà nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 25/3/2024, Khu Quản lý đường bộ I có văn bản báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam về việc xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đấu nối trái phép vào đường dẫn lên cầu BOT Thái Hà, yêu cầu Công ty CP Đầu tư khu công nghiệp Thái Hà đóng điểm đấu nối trái phép trong ngày 25/3/2024 (trên thực tế, ngày 15/4/2024, sau khi có bài báo phản ánh của Báo Đấu thầu, điểm đấu nối trái phép mới được tháo dỡ). Việc đấu nối trái phép diễn ra trong gần 3 năm để xây dựng Khu công nghiệp Thái Hà, gây tổn thất rất lớn đối với phương án tài chính của Dự án. Tuy nhiên, các cơ quan cấp giấy phép và đơn vị sử dụng điểm đấu nối trái phép không thương lượng phương án đền bù thiệt hại cho Công ty CP BOT cầu Thái Hà.

Ngày 27/3/2024, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản chấp thuận đấu nối tạm thời có thời hạn vào đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km1+240 cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án ĐT.495B. Ngày 4/4/2024, Khu Quản lý đường bộ I đã cấp giấy phép thi công xây dựng nút giao đấu nối trên cho UBND huyện Lý Nhân, thời hạn đến ngày 15/5/2025 và có thể được gia hạn thêm. Ông Ngô Tiến Cương cho rằng, diễn biến này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, phá vỡ phương án tài chính của Dự án. “Nhà đầu tư đã nhiều lần kêu cứu lên các cấp chính quyền, nhưng không được giải quyết thỏa đáng”, ông nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện nhiều nhà đầu tư BOT giao thông bày tỏ sự thất vọng khi cơ quan nhà nước không tôn trọng các điều khoản hợp đồng BOT đã ký kết. Đơn cử, không thực hiện lộ trình 3 năm tăng phí 1 lần, địa phương tự ý bổ sung quy hoạch, xây dựng các tuyến đường mới làm ảnh hưởng trực tiếp đến phương án tài chính của dự án BOT, tự ý điều chỉnh miễn giảm phí cho nhiều loại đối tượng khác nhau…

Theo chuyên gia đầu tư, đa số các dự án BOT giao thông tại Việt Nam đều được triển khai trong giai đoạn khung pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa rõ ràng, trạm thu phí hở nên dễ gây thất thoát cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án, ảnh hưởng đến phương án hoàn vốn. Trong hợp đồng BOT, quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là như nhau và cần phải được tôn trọng. Khi phát sinh các vấn đề khó khăn, vướng mắc có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kịp thời tháo gỡ để bảo đảm phương án tài chính cho dự án, bảo toàn quyền lợi cho nhà đầu tư. Việc Cục Quản lý đường bộ 1 và Khu Quản lý đường bộ I đã 2 lần cấp phép thi công xây dựng (năm 2021 và năm 2024) đấu nối vào Dự án BOT cầu Thái Hà mà không thương lượng, bàn bạc và được sự thống nhất của doanh nghiệp dự án đã “mở đường” cho hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư BOT, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Năm 2023, BOT cầu Thái Hà chỉ đạt doanh thu 44,8 tỷ đồng, lỗ 83 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này là 436,8 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đang yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo sự việc.