Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình cho biết, nhà đầu tư thực hiện Dự án phải đáp ứng thu xếp được vốn chủ sở hữu tối thiểu là 468,4 tỷ đồng (tương đương 20% tổng mức đầu tư của Dự án). Về kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự, nhà đầu tư đã từng tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính tối thiểu 1 dự án trong lĩnh vực tương tự (dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng) đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn trong vòng 7 năm trở lại đây; tổng mức đầu tư tối thiểu của công trình tương tự là 1.171 tỷ đồng (tương đương 50% tổng mức đầu tư của Dự án đang xét). Trong đó, nhà đầu tư đã góp vốn chủ sở hữu với giá trị tối thiểu là 234,2 tỷ đồng (tương đương 50% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của Dự án đang xét).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình, mục tiêu của dự án nhà ở nghìn tỷ này là đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo khớp nối hài hòa giữa các quy hoạch và các dự án đã, đang triển khai trong khu vực, góp phần phát triển không gian đô thị Gián Khẩu. Sau khi hoàn thành, Dự án được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu về nhà ở phù hợp với số lượng công nhân theo sự phát triển của Khu công nghiệp Gián Khẩu và người lao động có thu nhập thấp khu vực lân cận.
Dự án được xây dựng trên khu đất 49.622 m2 thuộc địa bàn xã Gia Tân và xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm, trong đó thời gian xây dựng là 42 tháng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Công ty TNHH Hòa Bình (hay còn gọi là Tập đoàn Hòa Bình Group) thành lập tháng 4/1993. Nhà đầu tư đã có kinh nghiệm thi công nhiều công trình lớn tại Hà Nội như: Tháp đôi Hòa Bình tại 106 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Khách sạn Hòa Bình Palace tại 27 phố Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Tòa nhà Hòa Bình Green tại 376, đường Bưởi, Hà Nội; Chung cư Hoa Binh Green City tại 505 Minh Khai, Hà Nội…