Covid-19 tác động tới tiến độ nhiều dự án điện

(BĐT) - Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực (Ban Chỉ đạo) vừa có Báo cáo tháng 4/2020 về tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Theo Báo cáo, ảnh hưởng của Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nhiều dự án nguồn điện, một số dự án BOT điện có thể phát sinh sự kiện bất khả kháng dẫn đến chậm tiến độ.
Nhiều dự án nguồn điện chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19
Nhiều dự án nguồn điện chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19

Tong giai đoạn 2016 - 2030, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao đầu tư 25 dự án nguồn điện với tổng công suất là 17.068 MW. Trong 4 năm qua (2016 - 2019), EVN đã hoàn thành 11 dự án nguồn điện (tổng công suất là 5.873 MW). Năm 2020 dự kiến hoàn thành Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum 220 MW; còn lại 13 dự án/10.968 MW.

Tại các dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện, trong tháng 4/2020, PVN đang thực hiện 3 dự án thi công xây dựng. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đạt giá trị giải ngân lũy kế đến ngày 3/4/2020 là 1.007,58 triệu USD và 11.775,25 tỷ đồng (tương ứng với 80,28% giá trị tổng mức đầu tư). Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 tiến độ tổng thể đạt khoảng 82,57%, lũy kế giá trị giải ngân hợp đồng EPC đạt tỷ lệ 76,18% so với giá trị hợp đồng quy đổi. Nhiệt điện Long Phú 1 đạt khối lượng hoàn thành công việc ước tính 77,56% so với kế hoạch; lũy kế giá trị giải ngân khoảng 12.195,4 tỷ đồng (bao gồm cả VAT).

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện 4 dự án đầu tư với tổng công suất 2.950 MW, trong đó có 2 dự án chưa triển khai, 2 dự án đang chuẩn bị các bước đầu tư. Tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II, chủ đầu tư đã phát hành hồ sơ mời thầu Gói thầu EPC. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và theo đề nghị của một số nhà thầu, Gói thầu đã được gia hạn đóng thầu đến ngày 10/6/2020. Đến nay đã có 16 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu, hầu hết là nhà thầu Trung Quốc.

Tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV đã thông báo mời rộng rãi các nhà đầu tư quan tâm và đón nhận được 7 nhà đầu tư Trung Quốc và 1 nhà đầu tư Việt Nam nộp hồ sơ quan tâm. Hiện, TKV đang tổ chức đánh giá hồ sơ quan tâm của các nhà đầu tư. Theo kế hoạch, Dự án sẽ đưa vào vận hành năm 2026 - 2027 nếu lựa chọn được nhà đầu tư và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào cuối năm 2020.

Đối với các dự án BOT, đến thời điểm hiện nay có 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT. Việc triển khai thi công 4 dự án BOT đang chịu tác động tiêu cực của Covid-19. Cụ thể, lao động nước ngoài tại Dự án Nhiệt điện Hải Dương không được nhập cảnh; Dự án Duyên Hải 2 cũng gặp khó khăn tương tự; công tác triển khai thiết kế, mua sắm tại Dự án Vân Phong 1 bị ảnh hưởng khi một số hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị (đặc biệt là các hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc), xây dựng bị gián đoạn; Dự án Nghi Sơn 2 cũng đang tiến hành đánh giá tác động cụ thể từ Covid-19 tới việc triển khai Dự án.

Hiện tại Dự án Nhiệt điện An Khánh Bắc Giang, Công Thanh gặp khó khăn khi không thu xếp được tài chính; Cụm thủy điện PacMa, Nậm Cùm 4 nguy cơ không có đường dây đấu nối; Dự án Thủy điện Hồi Xuân hiện đã thay đổi thông số thực tế, tổng mức đầu tư xây dựng tăng lên do đó đang phải đàm phán lại giá điện…

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng của một số dự án điện còn gặp khó khăn và có xu hướng phức tạp (liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng vẫn bị kéo dài); thủ tục đầu tư kéo dài; việc dừng cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án điện…cũng tác động tới tình hình thực hiện các dự án nguồn điện.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đề nghị, sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù các dự án điện cấp bách, sớm xem xét và ban hành chỉ thị tăng cường quản lý nhà nước về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án điện.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đề xuất, Chính phủ cho phép EVN và các đơn vị thành viên triển khai đầu tư một số dự án điện mặt trời tại khu vực các hồ thủy điện với mục tiêu bổ sung khoảng 1.000 MW vào vận hành năm 2023. Chấp thuận việc bàn giao các nhà máy điện BOT Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3 cho EVN để sớm triển khai các thủ tục tiếp nhận và chủ động trong việc chuẩn bị nhiên liệu đảm bảo vận hành liên tục, duy trì nguồn cấp điện cho hệ thống.