CPTPP nhận được đồng thuận cao của Quốc hội

(BĐT) - Với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (469 đại biểu tham gia), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được Quốc hội phê chuẩn chiều 12/11.
469/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua CPTPP
469/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành thông qua CPTPP

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn CPTPP, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV là thời điểm phù hợp, thể hiện cam kết chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực và thế giới.

Hiệp định CPTPP kế thừa các nội dung của Hiệp định TPP trước đây đã được chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng, đã qua 8 năm đàm phán. Đến thời điểm hiện nay, đã có 6 nước phê chuẩn thông qua và Hiệp định đủ điều kiện có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày 30/10/2018.

Ngay sau khi kết thúc đàm phán, Chính phủ đã chủ động nghiên cứu, đánh giá định lượng về tác động của Hiệp định đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát. Ngay sau khi ký kết Hiệp định CPTPP, Chính phủ đã chỉ đạo đăng tải nội dung của Hiệp định trên Cổng thông tin của Bộ Công Thương.

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định của Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định và theo Khoản 3 Điều 77 Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Chính phủ báo cáo Quốc hội hàng năm về tình hình thực hiện các điều ước quốc tế. 

Về việc sửa đổi, bổ sung các luật để phù hợp Hiệp định CPTPP, đối với các luật đang và sẽ trình Quốc hội như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm…, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết của Hiệp định.

Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP còn bao gồm việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định; nghiên cứu ban hành một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng hiệu quả những cơ hội mà Hiệp định mang lại, cũng như vượt qua các thách thức, khó khăn trong quá trình thực thi Hiệp định.

Tin cùng chuyên mục