Cụm dự án giải tỏa công suất nhà máy điện tỷ USD “cán đích”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cuộc họp Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư để đóng điện cụm các dự án lưới điện giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1 vừa được tổ chức chiều ngày 26/12. Việc các dự án “về đích” đúng thời hạn được đánh giá là có ý nghĩa lớn, không chỉ giúp chủ đầu tư tránh bị phạt 1 triệu USD/ngày mà còn tạo được hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam với sự tin cậy trước các nhà đầu tư quốc tế.
Cụm các dự án lưới điện giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư. Ảnh: Nguyễn Long
Cụm các dự án lưới điện giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư. Ảnh: Nguyễn Long

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Ban Quản lý các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, đến thời điểm này, cụm các dự án lưới điện giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1 bao gồm: Đường dây 500kV Nhiệt điện (NĐ) Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân; Trạm biến áp (TBA) 500kV Vân Phong và đấu nối; Đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào Đường dây 500kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân đã cơ bản hoàn thành.

“Hiện các dự án đang ở những bước cuối cùng để hoàn thiện và đóng điện trong tháng 12/2022, đúng như cam kết trong hợp đồng ký kết với Nhà đầu tư NMNĐ BOT Vân Phong 1 của Nhật Bản”, CPMB thông tin.

Cụm các dự án lưới điện giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1 do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, CPMB được giao quản lý dự án.

Theo đại diện CPMB, việc hoàn thành cụm các dự án vào thời điểm này có ý nghĩa rất lớn, giúp truyền tải toàn bộ công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1 - 1200MW vào hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam, tạo mối liên kết mạnh giữa hệ thống điện miền Trung và miền Nam.

Ngoài mục tiêu giải tỏa công suất, cụm dự án cần được triển khai khẩn trương với mốc tiến độ hoàn thành vào cuối tháng 12/2022, đồng bộ với tiến độ Tổ máy 1 của NMNĐ BOT Vân Phong 1, theo cam kết giữa Chính phủ Việt Nam, EVN và Chủ đầu tư Nhà máy. Việc không đáp ứng tiến độ theo cam kết sẽ phát sinh bồi thường rất lớn về tài chính của Việt Nam cho Chủ đầu tư Nhà máy.

Đóng vai trò chính trong cụm các dự án lưới điện đồng bộ NMNĐ BOT Vân Phong 1 là Đường dây 500kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân (đoạn Vân Phong - Thuận Nam). Đây là dự án năng lượng nhóm A, cấp đặc biệt, dài khoảng 158 km, đi qua 2 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Công trình chính thức khởi công ngày 20/07/2021 với dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2022 (khoảng 17 tháng). Theo CPMB, so với các dự án 500kV nhóm A thông thường với quy mô tương tự thì dự án này được thực hiện trong thời gian nhanh “kỷ lục” dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện.

NMNĐ BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản đầu tư với tổng số vốn đầu tư hàng tỷ USD.

Cụ thể, theo hợp đồng, nếu chậm hòa vào hệ thống điện quốc gia thì mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng) trong 3 tháng chậm đầu tiên và trong 3 tháng chậm tiếp theo, mỗi ngày phải bồi thường 2 triệu USD (khoảng 46 tỷ đồng). Từ đó có thể hình dung, nếu cụm các dự án lưới điện này chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phải bồi thường sẽ lên đến hơn 6.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT NMNĐ Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt và Chính phủ Việt Nam phải mua lại Nhà máy bằng với giá trị tổng mức đầu tư được duyệt.

Ngày 28/11/2022, Dự án TBA 500kV Vân Phong và đấu nối hoàn thành đóng điện và sẵn sàng vận hành thử nghiệm mang tải cho NMNĐ BOT Vân Phong 1 đã giải quyết được lo lắng, áp lực về tiến độ cho cụm dự án.

“Việc hoàn thành Dự án đúng tiến độ đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào Việt Nam”, lãnh đạo CPMB nhìn nhận.

Đối với 2 dự án còn lại, ngày 25/12 vừa qua, tại Khánh Hòa, Hội đồng nghiệm thu cơ sở đã chủ trì cuộc họp về tiến độ đóng điện Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, Đường dây 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân.

Tại cuộc họp này, các thành viên Hội đồng đều nhất trí các dự án đủ điều kiện đóng điện, song cũng chỉ ra một số tồn tại nhỏ cần tập trung khắc phục trong thời gian còn lại trước khi đóng điện thử nghiệm, nghiệm thu.